Về Kênh Việt- Happiness station



Tặng nhau một niềm vui

Ý tưởng làm những podcast (chương trình radio online có chủ đề, phong cách riêng) trò chuyện với người gốc Việt, người Việt ở nước ngoài đọc cho nhau nghe hình thành vào mùa xuân "năm Covid-19 thứ hai". Khi ấy, tổn thương vì dịch bệnh không còn là chuyện gió thoảng xa xôi mà đã xộc tới nhà, quất thẳng cảm giác nhói buốt, cô độc và mất mát vào lòng người xa xứ. Phải làm gì để thoát khỏi chán nản tuyệt vọng, chia sẻ điều gì để vực nhau đứng dậy? Gặp nhau cách nào khi không thể gặp mặt? Tặng nhau một niềm vui có khó lắm không?

Tôi, khi ấy vừa xong khóa học nghề Thư viện ở Bỉ, thêm kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc và khai mở thông tin bổ trợ cùng kinh nghiệm làm phóng viên ở Việt Nam trước đây. Helen Ngô chuẩn bị nhận hợp đồng làm điều phối viên một trung tâm tiêm phòng vaccine chống Covid-19 tại Bỉ. Người mẹ trẻ này đang dồi dào ý tưởng, nhiệt huyết với các dự án vì cộng đồng. Rồi Nguyễn Hoàng Việt, từng là chuyên gia quản trị mạng của FPT giờ định cư ở CH Czech và Nguyễn Quang Hải, đồng sáng lập diễn đàn "Cùng con đọc sách Việt" tại Pháp, nhiệt tình tham gia xây dựng nội dung, trực tiếp biên tập, xử lý kỹ thuật cho các podcast. Nhập cuộc sau nhưng giúp tạo dấu ấn cho Kênh Việt Happiness station là Nguyễn Thanh Hằng, thạc sĩ ngành Lịch sử Trường EHESS tại Pháp, dịch giả cuốn "Nghệ thuật Huế" (L’Art à Hue) vừa đoạt giải B giải thưởng Sách quốc gia 2021. Năm người gốc Việt ở ba nước khác nhau chung mong muốn tạo dựng một kênh phát thanh do nhóm cộng tác viên trên toàn thế giới, phong phú người viết và đa dạng giọng đọc thực hiện.

Tìm chủ đề vốn không dễ, thuyết phục những người Việt ở nước ngoài sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm sống, kinh nghiệm hòa nhập, thành công cũng như thất bại, càng khó. May mắn, ngay giai đoạn chuẩn bị phát sóng Kênh Việt đã nhận được sự giúp đỡ công tâm và vô tư của nhiều cộng tác viên. Điều dưỡng viên Lê Thị Trúc Loan (Bỉ) xin nghỉ phép một ngày để cùng team Kênh Việt thực hiện cuộc trò chuyện suốt 5 giờ liền cho ba số audio đầy đặn đầu tiên mang tên "Chọn nghề địa ngục trần gian". Chị Loan đã bật khóc nhớ lại hình ảnh người lính Bỉ phải vào dưỡng đường nơi chị làm việc để trợ giúp ở giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Hơn sáu năm theo nghề này, chị đồng hành cùng mất mát của nhiều người, đặc biệt trong đại dịch.

Còn nhớ cuối tháng 8/2021, thời điểm TP Hồ Chí Minh vào đỉnh dịch, Kênh Việt phát lại loạt podcast này, mong muốn chia sẻ với chị Loan đang quá buồn và lo lắng đầy bất lực cho gia đình ở nơi xa. Trong vòng nửa tháng chị mất cả cha và anh trai vì Covid-19. Đó là một trong những cuộc trò chuyện cảm động nhất, chia sẻ chân thành hữu ích nhất Kênh Việt từng thực hiện. Gần đây, chị Trúc Loan còn nhắn cho chúng tôi: "Suy sụp tinh thần làm sức khỏe chị yếu đi, bác sĩ cho nghỉ thêm một tuần. Nhưng rồi em gái kể với chị rằng trong những ngày ba và anh trai mất, mẹ phải nằm ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc chu đáo. Cả thành phố đang khó khăn mà nghe em tả khẩu phần ăn của mẹ được như vậy, chị thấy đạt chuẩn châu Âu rồi. Chị tự vực mình dậy và đi làm trở lại sớm để trả ơn đời. Bởi chị nghĩ những gì chị làm bên này có thể cũng là cái phúc mẹ được hưởng ở quê hương".

Gieo trồng tình yêu tiếng Việt

Từ những podcast đầu, chúng tôi đã khẳng định quan điểm giữ gìn và nuôi dưỡng tiếng mẹ đẻ qua giọng đọc của người Việt/gốc Việt tại nhiều nước trên thế giới. Khuyến khích trẻ em gốc Việt, dâu-rể nước ngoài cùng gieo trồng tình yêu tiếng Việt trên cánh đồng Kênh Việt Happiness station. Không phải giọng đọc chuyên nghiệp, cũng không được nói tiếng Việt thường xuyên, nhưng các cộng tác viên đã nỗ lực hết mình truyền cảm xúc, tình yêu với tiếng mẹ đẻ vào từng sản phẩm phát sóng. Họ là bác sĩ thú y ở Bỉ, nhân viên bán hàng ở Scotland, người kinh doanh ở Anh và Ba Lan, giáo viên tại Thái Lan, học sinh trung học từ Czech, chàng trai mới hoàn thành nghĩa vụ dân sự tại Áo, cô chủ tiệm móng ở Đức, một dịch giả tại Pháp, bà nội trợ ở Italy...

Sự đa giọng điệu này khiến các podcast có nhiều cảm xúc hơn, khoảng cách địa lý ngắn lại khi người nghe dễ dàng tiếp cận trên nền tảng Facebook, Spotify, YouTube, website, anchor... Những truyện ngắn, tản văn của nhà văn Dạ Ngân, Võ Diệu Thanh nồng vị phương nam thì nhờ giọng điệu Nam Bộ mềm và ấm của chị Huỳnh Thu Văn- một bà nội trợ ở Bỉ thể hiện. Chất thời sự, hài hước sâu cay của Hồ Anh Thái hay các bài viết quan điểm hiện đại của TS Nguyễn Phương Mai (Hà Lan), TS luật Lê Thiên Hương (Pháp)... giao cho cặp vợ chồng từng là phát thanh viên bản tin trong nước nay định cư ở Litva đọc. Ngọt và trong là giọng Trần Hoàng Mai Anh tại Ba Lan, phù hợp các nội dung về giáo dục, gia đình, thiện nguyện...

Thuận lợi cũng nhân lên từ tâm huyết kết nối, lan tỏa của cộng tác viên. Từ ý nghĩa san sẻ buồn vui và truyền cảm hứng cho nhau, đôi khi các tác phẩm còn đủ sức khơi gợi lại ước mơ của bản thân mỗi người tưởng đã bị lãng quên. Một người Bỉ yêu Việt Nam và nỗ lực tự học tiếng Việt như anh chàng Robin Thibaut cũng đọc bài, viết bài cộng tác. Nhận đọc bài "Gọi món ăn Việt bằng tên gốc" của TS Lương Hà (Pháp) quả là thử thách với Robin, phải hiểu nghĩa mới ngắt nhịp và dừng lấy hơi phù hợp. Chưa chuẩn phát âm nhưng Robin đã đọc được cả câu khó "Ẩm thực Việt Nam lấy triết lý dưỡng sinh thuận tự nhiên của phương Đông làm gốc". Đáng nể rồi.

Mới đây, cuộc thi đầu tiên "Nói món Việt cùng con" 2021 do Kênh Việt tổ chức lập tức được các gia đình và trẻ em gốc Việt sinh ra, lớn lên ở nước ngoài hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ sau ba ngày phát động, từ Australia hai chị em Tống Khánh Linh (15 tuổi) và Tống Mỹ Linh (12 tuổi) là những thí sinh đầu tiên gửi tác phẩm dự thi. Hai chị em thực hiện món bánh trôi nước ngọt thơm trong giai đoạn đất nước này đang trải qua hơn 260 ngày lockdown vì Covid-19. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, mẹ của hai thí sinh, giáo viên tiếng Anh tại Monash College (trực thuộc Monash University) ở Melbourne kể, "Khi biết có cuộc thi này, hai Linh rất thích. Các con tự lên kịch bản, soạn lời dẫn bằng tiếng Việt. Rồi hai chị em lôi áo dài ra mặc, trang điểm cho nhau, bàn cách thức sáng tạo video clip vốn là sở thích của cả hai. Không khí hào hứng ấy khiến bố mẹ vui lây. Cuộc thi như thế này làm các con yêu quê hương hơn, thêm tự hào về văn hóa Việt Nam trong đó có ẩm thực".

Dựa vào cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn tha thiết hướng về quê hương và yêu văn hóa nguồn cội như thế, các thành viên sáng lập Kênh Việt tự tin sẽ có đủ nghị lực đầu tư sâu hơn, đa dạng hơn về nội dung đồng thời tiếp tục tổ chức các chương trình vì cộng đồng hấp dẫn và thiết thực phục vụ khán, thính giả.


Trụ sở chính Kênh Việt

Vương Quốc Bỉ

kenhviethappy@gmail.com


Các ủng hộ Kênh Việt xin gửi về Tài khoản

Việt Nam: 

1098 7601 8426

Vietinbank (NH TMCP Cong Thuong Viet Nam)









Châu Âu:

BE83 0019 0642 0115

Bank Adress: Hellobank!, BNP Paribas Fortis NV,  1000 Brussel, Warandeberg 3, RPR Brussel, BTW BE 0403.199.702