"Ông Tây” và “Bà Đông”


Tác giả: Robin Thibaut

Giọng đọc: Robin Thibaut


Chuyện thứ nhất: lần đầu gặp đồng nghiệp Việt Nam

Đợt ấy tôi sang Việt Nam cùng sếp của mình để bắt đầu một hợp tác nghiên cứu giữa hai trường đại học. Nội dung cơ bản đã được thảo thuận trước, thủ tục hành chính  cũng đã thu xếp xong rồi. Tuy nhiên, gặp mặt trực tiếp thì chưa! 

Ngày máy bay hạ cánh, sếp phía Việt Nam trực tiếp ra đón chúng tôi ở sân bay. Chúng tôi rất mệt sau một ngày lơ lửng trên bầu trời và độ ẩm ở Việt Nam cũng cao hơn Bỉ rất nhiều. Sếp Việt Nam cho rằng khách hẳn rất đói, vậy nên chúng tôi được mời đến một nhà hàng trước khi nhận phòng khách sạn.


Tôi không nhớ tên của nhà hàng, nhưng tôi hiểu nhà hàng này có món đặc biệt là thịt rắn! Tôi nghĩ trong bụng "Ối giời ơi, chúng tôi sẽ ăn thịt rắn, tuyệt quá!"  Tôi đã rất vui, vì ở châu Âu, thức ăn chán lắm. Và dĩ nhiên khó có cơ hội ăn thịt loài bò sát. Tôi nghĩ "mình đang ở thăm một nền văn hóa biết ăn cái gì và ăn như thế nào". Tuy nhiên, tôi có thể đoán được sếp của tôi không nghĩ như vậy. Ông ấy chưa từng đến châu Á và chắc chắn chưa ăn thịt rắn bao giờ. Tôi hỏi "Sếp lo lắng à?". Ông ấy không trả lời, chỉ lặng lẽ cười.

Kinh nghiệm tôi học trong bữa ăn này là phải chọn được một con rắn ngon, đại khái là phải bụ bẫm. Tất nhiên, nó phải còn sống. Sếp và tôi kinh ngạc nhìn con rắn di chuyển điên cuồng trong tay nhân viên nhà hàng. Một lần nữa tôi lại thốt lên "ối giời ơi!".

Sau khi con rắn được chọn, nó bị mang vào bếp để chế biến thành món. Trong khi chờ, nhân viên nhà hàng mang cho chúng tôi thức uống chiết xuất từ gan và tim của rắn. Tôi đã nghĩ, bao nhiêu người ở châu Âu có được trải nghiệm này như mình nhỉ!?

Khi món rắn mang ra bàn, chúng tôi bắt đầu thưởng thức. Nhưng tôi không thấy ngon, hình như nấu chưa kĩ, thịt như cao su. Hây dà.


Ăn xong, chúng tôi đến khách sạn để nhận phòng. Chúng tôi bây giờ mới được thực sự nghỉ ngơi một chút trước khi đến đại học để bắt đầu cuộc họp. Đến trường, tôi nhớ là đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy có quảng cáo trên màn hình LCD! Ở châu Âu thì thực sự không có màn hình quảng cáo trong trường đại học đâu! Những sự bất ngờ tiếp tục xay ra  khi bắt đầu cuộc họp. Nói chung, ở phương Tây, mọi người khi họp thường tập trung, tận dụng thời gian hiệu quả, vào ngay việc. Nhưng vào họp với đồng nghiệp ở Việt Nam, chúng tôi được thong thả uống trà và ăn bánh quy trong khi thảo luận. Tôi nghĩ như vậy cũng hay, có thể tranh thủ kết bạn với đồng nghiệp mới, và uống trà nóng cũng ngon.


Trong cuộc họp, tôi hay bị bất ngờ với những câu hỏi của đồng nghiệp Việt Nam dành cho sếp của tôi. Mặc dù mới lần đầu gặp sếp của tôi, họ đã đặt những câu hỏi riêng tư ngay lập tức. Ví dụ như: "Anh có vợ chưa?" "Anh có con rồi à" "Sao chưa có vợ mà đã có con?". 

Thực sự họ đã dám hỏi những điều mà chính tôi cũng không dám hỏi sếp của mình. Nhờ họ mà tôi biết thêm được về sếp của của mình như vậy đó. Ở Bỉ và nói chung ở châu Âu, những người không thẳng tính như vậy đâu. Và đặc biệt không dám hỏi những câu hỏi riêng tư. Sang Việt Nam tôi cũng được hỏi nhiều câu hỏi riêng tư như vậy, nhưng tôi không phiền! Tôi nghĩ nó vui mà.


Chuyện thứ hai: những ngày đi thực địa!


Sau khi dự án được thông qua ở Hà Nội, tôi và sếp lên đường đi Bình Thuận để thực địa! Chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ, chắc chắn không có nhiều khách du lịch ở đó. Khi xuống ô tô và đi trên đường làng, tôi nhớ có nhiều giọng reo lên "Ông Tây!" "Ông Tây!". Tôi đã sang Việt Nam trước đó vài lần, nhưng chưa được nghe câu này. Tôi hỏi đồng nghiệp Việt Nam và họ giải thích rằng “ông Tây” là để gọi chung cho người da trắng. À, giờ thì tôi đã hiểu tại sao khi bạn lang thang trên đường làng, đường phố và thường nghe rì rầm sau lưng “Ông Tây” “Ông Tây chúng mày ơi”. Tôi đã tuyên bố rằng nếu họ gọi chúng tôi là "Ông Tây", tôi sẽ gọi họ là "Bà Đông". Ở Bỉ, không nên gọi người khác như vậy, như thế không được lịch sự cho lắm.


Trong thời gian đi thực địa ở Bình Thuận, trời nóng nắng lắm. Chúng tôi ngồi ăn dưới một gốc cây. Tôi phải cởi đôi giày và vớ ra. Một người dân trong làng đi theo giúp chúng tôi làm thực địa cũng ngồi dưới cây. Em ấy cứ nhìn chằm chằm  vào bàn chân của tôi. Em ấy lại gần để nhìn cho rõ hơn. Chắc chưa nhìn thấy chân ai  trắng như vậy. Em ấy đã chỉ chỏ bàn chân của tôi cho một đồng nghiệp khác để bình luận. Ối giời ơi! Tôi đang ngồi ăn dưới một gốc cây trong khi hai người khác nhìn ngắm và chỉ chỏ bình luận về bàn chân tôi.


Dĩ nhiên những câu chuyện “ối giời ơi” như thế này chủ yếu để lại trong tôi cảm giác vui vẻ, thú vị. Vì nó ít khi, nếu như không nói là không thể xảy ra ở Bỉ. Tôi cũng thấy mình thật may mắn khi ở trọ trong một ngôi làng nhỏ tại Việt Nam. Người dân trong làng lao động rất vất vả. Họ cần có nghị lực mạnh mẽ để sáng sáng thực dậy lúc 6 giờ, cùng nghe loa làng phát bài “Tàu anh qua núi” rất to. Những ngày ở làng, sáng nào tôi cũng thức dậy với “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay” rộn ràng như thế. Cho đến bây giờ, khi đang ở Bỉ, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, tôi vẫn bật máy lên và nghe "Nhớ thương nhau em chờ anh tới/Mà tàu anh đi vượt qua núi cao..."