Chuyện trên đường vượt biên vào Đức

Tác giả: Bạch Vân


“Con có muốn sang Đức không?” bố hỏi như vậy trong một lần gọi điện về. Mình nhớ đó là khoảng tháng 4 năm 1997.  Mình cũng vừa thi kết thúc năm thứ ba Khoa Nga của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. 

Hồi đó tiếng Nga đang mất giá và các sinh viên khoa Nga đều học thêm chuyên ngành hai là chính. Chỉ vất vả khi vào kỳ thi. Nhớ hồi đó trường mình nữ nhiều hơn nam, mỗi khoa có một đội bóng đá nữ, mình cũng trong đội bóng, không phải mình thích đá bóng mà vì đá bóng được tính vào điểm thể dục và mỗi khi thi đấu với khoa khác lại có tiền bồi dưỡng. Khoản tiền đó không nhiều, hình như 5 nghìn đồng thì phải. À, lan man tí để thấy ngày xưa mình ở nhà cũng thoải mái lắm, bố mình sang Đức năm 1990 và ba năm sau mẹ mình cũng sang. Hai chị em ở nhà với ông bà nội. Ông bà cưng chiều hai cháu lắm, mình thuộc tuýp hướng ngoại nhưng ngoan, học cũng không đến nỗi, đi chơi nhiều vẫn biết về đúng giờ. Nói chung là thanh niên nghiêm túc. 

Mốc năm 1997 ấy nhiều bạn mình du học Úc rồi. Mình cũng thích đi vì gia đình đã có điều kiện, không khó khăn như trước nữa. Nhưng sau câu hỏi của bố, mình cũng suy nghĩ lung lắm. Đi Đức thì có bố mẹ không phải lo gì, chứ ở nhà học đại học xong chưa chắc được làm đúng nghề. Chưa kể muốn xin được chỗ ngon phải quen biết, phải đút lót. Đi Tây được mở mang đầu óc, môi trường văn minh, và biết đâu gặp được người ưng ý. Bố mình bảo con gái bên đó có giá lắm, đang rất nhiều thanh niên độc thân chưa vợ. 

Thế là mình quyết định sang Đức, mình và em gái đi cùng. Hai chị em không đi thẳng vào Đức được mà phải sang Ba Lan rồi từ đó vượt biên vào Đức. Tại sao không đi theo đường bảo lãnh chính thức? Là vì hồi đó chị em mình hơn 18 rồi, quá tuổi được bảo lãnh,  lý do thứ hai là bố mẹ mình cũng chưa đủ điều kiện để bảo lãnh. Mình có một người bạn thân, chị gái và anh rể sống khá lâu ở Ba Lan đã nhận làm giấy tờ cho chị em mình đi với giá 7.500 đô la một người. Giấy tờ thủ tục làm cực nhanh. Đầu tháng Năm năm 1997, chị em mình đã có visa vào Ba Lan. Hai chị em hăm hở lên đường sau khi ăn mấy bữa tiệc chia tay hết bạn cấp Một, cấp Hai, cấp Ba lại đến bạn Đại học. Nghĩ lại hồi đó vui thật, nhất là tiệc chia tay mấy đứa bạn đại học, chẳng biết mình nói với chúng nó lúc nào, là từ bé đến giờ chưa được ăn thịt chó nên trước hôm đi chúng nó rủ mình đi ăn thịt chó. Đúng là tuổi trẻ chưa biết gì. May mà không uống bia rượu. Về nhà bà mình cứ suýt xoa “Sao con dại thế, sắp đi mà lại ăn thịt chó?”

Không biết có phải ăn thịt chó không hay số mình lận đận mà sau này em gái mình lấy chồng, nhờ chồng nên có giấy tờ định cư dễ dàng. Còn mình vật vã đấu tranh mãi ở Sở ngoại kiều mới được cái giấy phép định cư. Chuyện đó có dịp mình kể sau. Quay lại chuyến sang Ba Lan, khi đi các bạn tiễn bịn rịn lắm, trong hành trang của mình có cuốn sách dạy nấu ăn dày hơn trăm trang, ít quần áo, một cuốn sổ lưu bút và mấy món đồ lưu niệm. Hành trình bay sang Ba Lan không có gì đặc biệt. Sau khi được chị gái bạn thân đón ở sân bay về, ăn uống, tắm rửa xong chị em mình ngủ một mạch từ chiều tối hôm trước đến gần chiều hôm sau. Lúc dậy mình cứ tưởng vẫn là tối hôm trước, cứ như chỉ chợp mắt ngủ trưa thôi. 

Ở Ba Lan mấy hôm nhưng mình không biết thành phố thực sự thế nào, vì chỉ được chị đưa đi ăn ở một nhà hàng Việt, và đi siêu thị một lần. Mình lần đầu được biết thế nào là gà Kentucky, sao lại có loại gà tẩm bột ngon thế nhỉ. Ở Warsava được hai đến ba hôm thì chị ấy liên hệ và gửi hai chị em cho một cặp vợ chồng người Việt ở biên giới Ba Lan - Đức chuyên đưa người sang Đức. Thế là chị em mình bắt đầu hành trình mới, “vượt biên giới sang Đức”. Lúc chuẩn bị lên tàu, gặp một anh người Việt đi tiễn bạn gái người Ba Lan. Anh nói bạn anh cũng về biên giới, anh sẽ bảo bạn anh nhắc hai chị em mình phải xuống ở ga nào nếu chị em lỡ ngủ quên. 

Tàu chạy rất lâu, từ chập tối hôm trước đến gần trưa hôm sau. Lên tàu mình mới bắt đầu có cảm giác sợ thật sự. Vì mấy hôm trước từ Việt Nam qua giấy tờ visa hợp lệ, có người đưa đón đàng hoàng nên chẳng cảm giác gì cả. Giờ mới lo. Trên tàu mình cứ ngủ chập chờn, vừa sợ không xuống đúng ga, vừa lo không biết có ai đón mình không? Cuối cùng chị em mình cũng xuống được đúng ga. Nhưng chờ mãi mà chẳng thấy ai ra đón. Mình bắt đầu sốt ruột, liều dùng cái thẻ chị quen mua cho trước khi đi để gọi sang Đức cho bố mẹ mình. Nghe thấy tiếng mẹ, mình khóc như mưa, làm mẹ mình cũng hoảng và khóc theo. Mình bảo hai chị em chờ mãi không có ai đón, hỏi bố có số điện thoại của cô chú kia không? Bố gọi cho họ đi! Sau này mẹ kể, nghe tiếng mình khóc trong điện thoại, mẹ tưởng hai chị em bị làm sao, bị ai đó làm hại. 

Cuối cùng bố cũng liên lạc được với cô chú dẫn đường. Họ bảo đang trên đường ra đón vì bình thường phải bán hàng ở chợ gần biên giới khá xa ga. Sau khi đón chị em mình về nhà, cô chú bảo ở đây nghỉ ngơi, cô chú đi bán hàng tiếp, tối về nấu ăn nói chuyện sau. Chị em lôi nhau chui luôn vào phòng ngủ, vẫn thấp thỏm sợ ai đó bất chợt xô cửa vào phòng làm hại mình. Mệt quá thiếp đi đến lúc nghe thấy tiếng người nói, chị em mình tỉnh dậy và đi xuống dưới nhà. Đến giờ mình vẫn không nhớ nhà có bao nhiêu phòng, nhưng lúc đó đông người lắm, hình như nhà này cô chú thuê và cho nhiều người khác bán hàng ở chợ thuê lại. Ban ngày họ đi bán hàng, tối về tập trung nấu ăn cùng nhau. Sau bữa ăn chú bảo  “Tí nữa hai đứa soạn vali, tất cả những thứ gì có chữ Việt, có liên quan đến Việt Nam cho vào một cái balo để mai đeo trên người. Còn vali sẽ có người chở đi, mai cô chú dậy sớm đi bán hàng. Hai đứa ngủ dậy, đợi khoảng 9 giờ sẽ có người đến đón. Cứ đi theo người ta, họ sẽ chở sang Berlin”. 

Chị em mình răm rắp làm theo, không dám hỏi thêm câu nào. Điều quan trọng nhất bây giờ là ngồi trong nhà chờ nghe tiếng bước chân. Hơn 9 giờ sáng, có một người đàn ông Tây cao to đến và ra hiệu cho chị em mình theo. Ông ta kéo cái vali còn chị em mình đeo balo. Cứ thế mà trèo lên xe chứ chẳng biết ông ta chở đi đâu.  Bỗng ông ta ra hiệu hai chị em xuống xe, ý bảo chui vào một bụi cây ngồi chờ. Hôm ấy trời lạnh lắm, mưa lất phất bay. Hai chị em nắm tay nhau co ro trong bụi. Lúc sau thấy anh ta trở lại, kéo theo một người châu Á nữa. Mình đoán là người Trung Quốc vì mình có hỏi “anh cũng người Việt à”, nhưng không trả lời. Người mới nhập xe cao ráo, khỏe mạnh, giờ gặp lại chắc cũng không nhớ nổi khuôn mặt anh ta thế nào. Nhưng phải cảm ơn Trời Phật run rủi cho anh ta đi cùng chị em mình. Không có anh ta chắc chị em mình chẳng thể vượt nổi biên giới.

Ba người mình ngồi chờ một lúc nữa người dẫn đường mới ra hiệu đi theo ông ta. Mình nhớ ông ta đi nhanh lắm, chị em mình chạy đứt hơi không kịp, vừa chạy vừa thở dốc. Nghĩ lại ngày xưa thanh niên hoi, chẳng chịu vận động hay thể dục thể thao gì, sức yếu. Em gái mình còn bị hen, chạy tí là thở không ra hơi. Anh đi cùng chắc thấy tội nghiệp chị em mình quá, hoặc anh cũng muốn cả bọn chạy cho nhanh chứ không bị tóm cả lũ. Thế là anh khoác balo của anh và của mình, hai tay anh nắm tay hai chị em mình. Chia ra mỗi đứa một bên, cứ thế anh kéo đi phăm phăm. Mình có cảm giác chân không chạm đất, mình như đang bay trên cỏ vậy. 

Ra được đến bờ sông, lúc đó vẫn có cảm giác lạnh, chân đi giầy mà ướt sũng. Đầu óc mình chẳng nghĩ được gì, chỉ mong đây là giấc mơ để nhanh nhanh tỉnh mà thoát ra. Lúc ngồi trên thuyền qua sông mình nhìn thấy nhiều người Đức đang đứng câu cá ở bên bờ phía Đức. Có vẻ họ làm như không thấy mình, hay là cảnh tượng này quá quen nên không thèm để ý nữa. Bụng nghĩ họ mà báo công an thì toi đời. Đến bờ bên kia cả ba lại chạy tiếp, rồi được đưa lên xe chở đến một ga nhỏ ở ngoại ô Berlin. Ấy là bố mình sau này bảo thế, chứ lúc đó biết chỗ nào với chỗ nào đâu, họ đưa đi đâu chỉ biết đi đấy thôi. Bố mình cũng kể chờ mãi không thấy con. Mãi sau một xe chạy đến, cũng chẳng thấy con, bỗng dưng hai cái đầu đen nhô lên. Thế là bố chạy bật ra khỏi xe, không kịp ôm chị em mình mà chỉ mở cửa đẩy hai đứa vào và chạy luôn. Suốt chặng đường về nhà, ngồi trên xe, hai chị em ngồi cạnh bố, ôm bố mà không nói được gì. Cảm xúc đan xen lẫn lộn khi bố nói “Sang đến đây là tốt rồi, nhưng sắp tới phải lo giấy tờ ở lại được thì mới đi lại thoải mái các con ạ”. 

Lúc đó mình chưa hiểu gì nhiều những lời bố nói. Chỉ nghĩ đơn giản, sang đến Đức là đến nơi rồi cần gì lo nghĩ nữa. Thêm chuyện này, đi đón mình và em gái còn có hai anh chàng độc thân, ở cùng khu bố mẹ mình. Hai người thay phiên nhau lái đưa đón bố con mình hơn ngàn cây số từ Munich đi Berlin rồi từ Berlin về lại Munich. Một trong hai người sau này là em rể mình. Ngoài bố mẹ, mình rất biết ơn hai người này. Vì cả hai đã không ngại nguy hiểm đi đón chị em mình. Chỉ cần giữa đường bị cảnh sát chặn lại là ngay lập tức họ bị khép tội đưa đón người bất hợp pháp. Họ sẽ bị tịch thu giấy phép lưu trú và đuổi về nước. Thực tế hôm đó cũng có hai lần gặp xe cảnh sát trên đường. Một lần phải tránh, chạy vào trạm xăng. 

Bây giờ hai chị em mình đã có cuộc sống ổn định trên quê hương thứ hai là nước Đức xinh đẹp này. Dù sau khi đặt chân đến Đức mình còn phải vật vã trong bốn năm trời xoay giấy tờ, phải quay về Việt Nam lần nữa để lấy visa. Dù đăng ký kết hôn hợp pháp tại Đức nhưng vợ chồng mình vẫn phải xa đứa con bé bỏng mới hơn tuổi. Nhưng mình luôn cảm ơn Trời Phật, ông bà tổ tiên đã phù hộ, cảm ơn bố mẹ mình và những người đã giúp đỡ để mình có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Spotify

Youtube