Bè tre VIệt Nam du ký

Bè tre Việt Nam du ký: 5500 dặm vượt Thái Bình Dương


Bài review: Phan Nguyễn Nguyệt Minh



Theo Joseph Needham - một học giả Đông Phương tin rằng các thủy thủ từ châu Á đã đến được bờ Tân Thế Giới từ rất lâu, trước cả Columbus. Trên cơ sở đó, Tim Severin - một nhà du hành, nhà văn và nhà sử học người Anh đã lên kế hoạch thử nghiệm một cuộc du hành trên một phương tiện thủy thủ công. Hình ảnh về một chiếc bè tre đã thúc đẩy ông tìm đến Sầm Sơn, Việt Nam - nơi được cho là quê hương của loại bè này.


Ngay từ thời sinh viên, Tim Severin đã có cuộc thử nghiệm cho riêng mình, đó là đi xe máy theo tuyến đường bộ tới Trung Quốc mà Marco Polo đã từng thực hiện. 30 năm sau, ông ôm giấc mộng về cuộc thử nghiệm mới là vượt biển trên chiếc bè tre.


Được sự giúp đỡ của chính quyền Việt Nam cùng những ngư dân thuộc làng chài ven biển Sầm Sơn, ông đã hoàn thiện chiếc bè tre vượt biển của mình và cột buồm được làm ở Hạ Long. Colin- một nhà thiết kế hàng đầu về các tàu buồm huấn luyện và là một tự điển sống về các loại thuyền buồm cổ truyền thống đảm nhiệm việc thiết kế sơ bộ một chiếc mảng tre có buồm vượt đại dương. Tre được tập hợp từ các vùng rừng núi của Việt Nam, dưới đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù của các ngư dân, chiếc bè tre ra đời và được đặt tên là “Mảng Từ Phúc”.


Cuộc thử nghiệm cần 5 thủy thủ: người điều hành và ra quyết định ( thuyền trưởng), một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia, một bác sĩ và một ngư dân Việt Nam am hiểu lẫn biết lái mảng tre. Ngư dân Lợi được chọn cho chuyến hải hành này. Đội ngũ thủy thủ này toàn những con người ưu tú, can đảm, khát khao khám phá và dày dạn kinh nghiệm với biển cả. Với họ, chuyến du hành này vô cùng quan trọng không chỉ dành cho ngành khoa học nghiên cứu về các cuộc thám hiểm mà còn đối với cả bộ môn nghiên cứu về các nền văn minh.


Mảng Từ Phúc đi chặng đầu tiên từ Hồng Kông, băng qua eo biển Đài Loan vòng lên phía Đông Bắc hướng về Nhật Bản. Từ Shimoda, Nhật Bản, mảng Từ Phúc sẽ có hành trình 4500 dặm để đến Bắc Mỹ, để trải nghiệm lại việc đi bè xuyên đại dương 2000 năm trước. Việc kiểm chứng một mảng tre có buồm vốn được xem là phương tiện thủy chỉ đi ven biển liệu có sống sót qua hành trình xuyên đại dương hay không là một thách thức vô cùng lớn với đoàn thủy thủ. Bên cạnh đó, không có bất cứ tàu đi hộ tống hay trang bị động cơ là sự đánh cược với biển cả, thời tiết, rủi ro về tài chính và không thoải mái về phương diện cá nhân.


Mảng Từ Phúc hiên ngang cưỡi sóng, bao lần đối diện với mưa giông bão táp, với những cơn gió đổi chiều, với mối mọt đã vượt qua một thử thách lớn khi đi qua được “Đường đổi ngày quốc tế”, là cột mốc cho toàn bộ hành trình, là trung điểm , là ranh giới của hai nửa địa cầu, là đường phân chia giữa hai lục địa. Đoàn thủy thủ cũng phải đối mặt với những hiểm nguy của biển cả, với sự đứt gãy của dây chằng và cột buồm, là những ngày lương thực cạn kiệt hoặc thành viên trong đoàn đau ốm. Làm bạn với họ có khi là chú chim đi lạc, vài con nhện hay những đàn cá tò mò đi theo bè. Mỗi sớm thức dậy, họ luôn trông chờ vào “sự thương hại của những con sóng.” Vấn đề gây nhiều áy náy suy tư nhất với toàn bộ thành viên chính là khoảng cách của ngư dân Lợi, người duy nhất không thể nói được tiếng Anh, thường rơi vào sự cô đơn, cách biệt và trầm cảm. Nhưng hễ có sự cố xảy ra cho mảng tre thì cậu chính là người xông xáo nhất.


Từ xa xưa , các nhà hàng hải luôn chú ý ngày đi biển khi mùa hải hành đã kết thúc. Mảng Từ Phúc vốn dĩ chỉ thích hợp cho mùa đi biển bình thường đã có thể tồn tại trong thời tiết xấu kéo dài. Nhưng khi dây thừng, thứ được xem là gân cốt của bất kỳ chiếc thuyền buồm nào không còn khả năng chằng buộc nữa chính là khi mảng Từ Phúc cho thấy dấu hiệu của sự mệt mỏi rã rời. Nguồn dự trữ sức chịu đựng của các thủy thủ đoàn cũng cạn kiệt. Tim Severin phải ra một quyết định khó khăn là di tản khỏi mảng tre, dừng lại cuộc du hành ở ngày thứ 105 kể từ khi rời Nhật với 5500 dặm biển suốt hành trình. Tất cả đều tự hào về những gì đã trải qua, không phải là đích đến mà bản thân chuyến đi mới là quan trọng khi mảng tre đã trở thành ngôi nhà thân thương của những con người đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng có chung niềm khát khao trải nghiệm và khám phá. Có một chút tiếc nuối khi Lợi không thể thực hiện được giấc mơ châu Mỹ nhưng anh đã trở về như một người hùng.


Quyển du kí thực sự là một tài liệu lịch sử hàng hải cực kì giá trị, là một thực nghiệm về khảo cổ học hàng hải với một phương tiện cổ xưa thực hiện chuyến đi trong hiện tại. Nó còn tái hiện sinh động cuộc sống của vùng biển Việt Nam và cả thủ đô Hà Nội những năm 1990, khi đất nước còn là một trong những nước nghèo nhất châu Á. Trên tất cả, khát khao được khám phá và chứng minh lý thuyết, giả định vẫn luôn là niềm cảm hứng để dẫn dắt nhân loại bước chân vào dẫu hàng nghìn năm trôi qua và sẽ nối tiếp mãi. 

Spotify

Youtube