Bài dự thi 014

TỰ THÚ CỦA MỘT NGƯỜI "TỊ NẠN"

Tác giả: Fang Lynk (CH DCND Lào)


Xuống sân bay, bước chân lên chiếc xe quen thuộc của mình và trở về "nhà", tôi khoan khoái hít một hơi thật sâu khí trời trong làn gió nhẹ. Một cảm giác trong lành và bình yên tràn ngập cơ thể và tâm hồn tôi. Không khí nơi đây, ngay cả khi đã bước vào nhà, đều thật thoáng mát giàu oxy đến nỗi tôi đồ rằng nếu như có thể nén lại thứ "khí tươi" này để bán ở những thành phố khói bụi thì chắc phải đắt hơn… tôm tươi. Vừa được sống giữa lòng thành phố, vừa được thở không khí như vùng thôn quê - có thể lợi thế này chính là lời giải thích ngắn gọn nhất cho thời gian nhiều năm chọn cuộc sống ở xứ người của gia đình tôi. Sung sướng biết ơn không gian sống, tôi chạm tay lại vào từng đồ đạc trong nhà để báo cho chúng biết ba tuần xa cách đã trôi qua, tôi đã "về". Đúng ra, bay từ Việt Nam sang Lào thì “về” có vẻ là một từ không đúng lắm với một người Việt Nam sống và làm việc xa Tổ quốc, cái từ luôn gợn lên trong lòng tôi một nỗi tiếc nuối phảng phất buồn, dẫu nỗi buồn ấy thật nên thơ "Tổ Quốc đẹp vô cùng/Nhưng vẫn phải ra đi". (*)


Việt Nam mình đẹp thật, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều bề dày lịch sử, nhiều chương trình sự kiện, nhiều điểm vui chơi, nhiều nơi du lịch. Ấy là chưa kể còn nhiều kỷ niệm, nhiều người thân bạn bè… Nhưng lần nào sang Lào, tôi cũng không tránh khỏi cảm giác như mình đang đi "tị nạn" xứ người. Có nặng nề quá không khi người ta chỉ dùng từ này khi đất nước nơi họ tới tốt đẹp hơn nơi quê hương họ vừa rời đi? Bạn bè bảo tôi sang Lào là đi… tị nạn thực phẩm bẩn, tị nạn giáo dục, tị nạn bạo hành, tị nạn giao thông, tị nạn công nghệ…. Còn lần này, có thêm một cái tên mới là "tị nạn thủy ngân" vì chuyến bay của tôi hôm ấy chỉ sau sự cố cháy công ty bóng đèn kia có một ngày. Tin tôi đi, tôi cảm thấy vừa may mắn vừa có lỗi khi tạm biệt Hà Nội trong hoàn cảnh đó.


Không cần sự cố thủy ngân, ba tuần trước khi mới đặt chân trở lại Việt Nam để về ăn Tết, tôi đã ngột ngạt, khó thở, oi bức như cái cây đang tươi xanh bỗng bị nhốt vào hộp kín. Mấy tuần Tết mà lại nóng oi bức, người luôn dinh dính mồ hôi bụi bẩn, đầu tóc bị ngứa và tai mũi họng biểu tình vì ô nhiễm... Phần lớn thời gian ở Lào khí hậu dễ chịu, mùa mưa như tầm này thì thời tiết như Đà Lạt, cả ngày mát mẻ không cần quạt, đêm còn phải đắp chăn mỏng. Đất nước này mang tiếng “nóng như gió Lào” nhưng ngay cả nóng cực điểm như tháng Tết té nước, dù nắng ngoài đường nhựa có gay gắt tới đâu, chỉ cần bước chân vào bóng cây hay vào nhà là thấy mát liền. 


Bạn có thể nói đồng ý, rõ là Hà Nội xứng với danh xưng bởi một toà báo là "một trong những thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới" rồi, nhưng "tị nạn" xứ gì nghe còn có lý chứ Lào thì...

... chắc lạc hậu như Việt Nam 20 năm trước

... chắc cơ sở vật chất như vùng sâu vùng xa

... chắc thiếu thốn giáo viên và bác sĩ ghê lắm

... chắc nắng gió Lào quanh năm khô rát, da dẻ xấu lắm

... chắc kinh tế khó khăn như miền núi mình

... chắc đời sống văn hóa văn nghệ thể thao đơn điệu tẻ nhạt lắm, buồn buồn mang khèn ra thổi với chơi đánh khăng hả?

... chắc con người chậm và lười lắm nhỉ?


Không còn lạ gì những thắc mắc quen thuộc này đến từ những người chưa bao giờ tới Lào, vậy nên những câu hỏi trên luôn làm tôi mỉm cười vì nhớ tới chính mình chỉ chục năm trước. 


Hồi đó, cứ nhắc tới Lào và Cam-pu-chia, tuy cùng là ba nước Đông Dương như Việt Nam; nhưng không hiểu sao mặc định trong đầu tôi là hai nước kia hết thảy đều lạc hậu, kém phát triển, kém văn minh và trì trệ hơn Việt Nam về mọi mặt. Của đáng tội, mấy anh bạn người Lào học chung đại học cũng nói tiếng Việt kiểu “chầm chậm, lơ lớ”. Trong trường, rất hiếm có sinh viên Lào được thầy cô đánh giá là thông minh hay nhanh nhẹn. Xung quanh tôi, mới nói tới “Lào” thôi, những từ khoá mà nhiều người trong đó có tôi nghĩ tới chỉ loanh quanh là “sốt rét”, “dép Lào”, múa lăm vông, nhà sàn, hoa chăm pa, xôi hũ nứa, thịt gác bếp, món da trâu… Ngôn ngữ thì không phổ biến và nghe ngữ điệu có vẻ buồn buồn chứ không hay như chim hót từa tựa tiếng Ý hay lãng mạn như tiếng Pháp. Chúng tôi còn đặt ra những cái tên nhại lại âm điệu giống như tiếng Lào để đùa vui, như “Ôm - phản - lao - ra - biển”, “Vay - vay - hẳn - xin - xin - hẳn”… Nói chung, nhắc tới Lào thì toàn những thứ có vẻ không mấy ai mặn mà gì cho lắm, nhất là người trẻ. Ấy vậy mà, hai mươi ba tuổi, lần đầu đi du lịch Lào, tôi đã sững sờ chỉ vì người lái ô tô dừng hẳn xe lại và đưa tay mời tôi đi bộ qua đường. Mà không chỉ một người, cứ như thể đó là chuyện thường ở đây vậy. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong đời tôi. Trước đó, tôi đã quen sống ở những thành phố mà như người bạn Mỹ của tôi hay nói: mỗi lần sang đường bạn có cảm giác người ta đang cố giết mình. Cái “văn minh” kiểu Lào này đập mạnh vào những định kiến tôi vừa nhắc tới ở trên. Và cái vẫy tay thân thiện mời qua đường đã đốn tim tôi ngay từ giây phút đó. 


Trở về sau chuyến đi, dù đã trót cảm tình với đất nước Lào, nhưng tôi những tưởng đó cũng là lần cuối, mình sẽ không bao giờ quay lại nơi đó. Đời đúng là chẳng ai học được chữ “ngờ”. Vài năm sau, tôi có cơ hội được sang Lào một lần nữa và cả nhà đã ở đây được hơn 6 năm, tới tận bây giờ. Càng ở lâu, những cái khung định kiến của tôi càng lung lay rồi một ngày vỡ vụn. Hóa ra, trước kia, mình chỉ "ếch ngồi đáy giếng". Sau vài năm ra khỏi “giếng làng”, dù chỉ sang "giếng Lào" thôi nhưng cách nghĩ của tôi đã đổi thay đáng kể. Có thể nhiều vùng miền của nước bạn phát triển kinh tế còn hạn chế, y như vùng sâu vùng xa Việt Nam thật. Có thể một số lĩnh vực họ không đủ khả năng, có thể con người không nhanh nhạy khôn ngoan như nước mình. Bao nhiêu là hạn chế, nếu nhìn từ góc độ kinh tế - xã hội. Bao nhiêu là giới hạn, nếu nhìn từ góc độ công nghệ, y tế, giáo dục hay giao thông. Nhưng nghịch lý cuộc đời xảy đến với tôi là: Trong những Giới Hạn đó, tôi lại thấy mình Tự Do hơn. Trong những cái Thua Thiệt của họ, tôi lại thấy họ Giàu Có hơn mình. 


Người ta đi Mỹ, đi Tây

Nhà tôi không hẹn mà nay đi… Lào

Chưa đi chưa biết thế nào

Đi rồi mới thấy hơn bao… nước mình

Còi xe không bấm thình lình

Văn minh, trật tự, yên bình khó quên

Cách sống gần gũi thiên nhiên

Người Lào thân thiện, hồn nhiên, dễ gần

Nước Lào hẹn bạn dừng chân…


Này nhé, về công nghệ, đúng là Viettel của nước mình còn phải mang kỹ thuật sang đây. Tốc độ mạng 4G ở đây chỉ như 3G ở Việt Nam, không ADSL nên wifi không nhan nhản mọi nhà dân, chi phí lắp đặt vì vậy cũng không rẻ. Nhưng nhờ vậy, tôi được… detox (thải độc) công nghệ và làm việc hiệu quả. Thời còn ở Việt Nam, mỗi lần mở wifi trong điện thoại lên sẽ thấy gần 20 điểm phát sóng, dù cho bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu, chỗ làm, quán ăn hay ở nhà. Thời đó, ban ngày mà trong nhà quá tối phải bật đèn còn ban đêm lại… sáng như ban ngày vì “Hà Nội đêm không ngủ”. Câu chuyện phơi nhiễm trước quá nhiều bức xạ điện từ, âm thanh, ánh sáng… lại bị hạn chế ở Lào. Từ khi sang đây, buổi tối, tôi và các con ngủ rất ngon khi không có thiết bị thu phát sóng nào ở gần, cũng không có ánh sáng từ ngoài đường hay âm thanh karaoke từ nhà hàng xóm làm phiền tới mình. Ban ngày, khi làm việc, tôi cũng thường online theo giờ cố định, khi không dùng sẽ tắt đi. Hiệu suất công việc được nâng cao, làm việc tập trung hơn và tránh xao nhãng.


Về giao thông, đường sá ở đây cũng na ná như ở Việt Nam, có đường nhựa và đường bê tông, trong đó đường bê tông có vẻ bền hơn, ít ổ gà ổ voi hơn. Đi phượt bằng xe ô tô tự lái mới thấy đường sá ở đây dễ chịu thế nào, dù là đi từ tỉnh này sang tỉnh khác hay đổ đèo ngoằn nghèo hàng trăm ki-lô-mét. Có lẽ lý do là vì nước Lào vốn thưa dân, lưu lượng giao thông không quá lớn. Một điểm cộng bất ngờ cho bạn nếu đi phượt quanh nước Lào hơn hẳn so với đi xuyên Việt, ngạc nhiên thay, đó là… nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh dọc đường các quốc lộ ở Việt Nam vẫn là một nỗi ám ảnh với nhiều người, nhất là phụ nữ, trẻ em và… người nước ngoài. Còn ở đây, dù bạn vào một quán bình dân, “bên ngoài đổ nát hoang sơ” thì nhà vệ sinh bên trong vẫn… nên thơ hữu tình, tức là nước và xà phòng đầy đủ và được dọn dẹp sạch sẽ thường xuyên, thậm chí còn được cho các loại lá thảo mộc và quả thơm tự nhiên vào để khử mùi. Đây vẫn là một điều khó hiểu với nhiều người Việt đã ở Lào nhiều năm. Còn giao thông trong thành phố, với cá nhân mình, về phương tiện đi lại nói riêng, tôi được thoải mái lựa chọn giữa ô tô và xe đạp, đôi khi là xe máy. Tôi chọn đi bộ và xe đạp khi có thể, vừa rèn luyện sức khỏe vừa bảo vệ môi trường, khi nào thật cần thiết mới dùng ô tô. Trong khi đó, nếu về Hà Nội… Ôi, chỉ cần nghĩ đến việc ngồi sau vô lăng mà phía trước mặt, xe đạp xe máy cứ lanh lẹ "điền vào chỗ trống" ngay sát mũi xe mình, tôi đã rợn tóc gáy! Đó là còn chưa kể bao nhiêu chi phí và phiền toái khác nơi phồn hoa đô hội, nào là chỗ đậu xe, biển báo, đường một chiều, vv… Ở thủ đô Viêng Chăn của Lào, đường phố nhiều ô tô nhưng rất trật tự. Bạn cũng sẽ hiếm thấy taxi nơi này, đơn giản vì mỗi nhà đã có (vài cái) ô tô. Ở Lào cũng không có còi xe nữa, đơn giản vì HỌ CÓ THỂ CHỜ. Một ngã tư có 4 chiều đèn xanh đỏ thì mỗi lần chuyển đèn, chỉ có 1 bên được đi, cả 3 bên kia đều đứng chờ. Vâng, họ có thể CHỜ. Ở Lào cũng không vội được đâu.


Hồi mới sang Lào, tôi sửng sốt khi biết hầu hết quán hàng cửa hiệu đều ĐÓNG CỬA VÀO CHỦ NHẬT. Điều đó có nghĩa là: Lỡ có sinh nhật nhằm vô Chủ Nhật thì bạn chỉ có đặt bánh gateaux ở tiệm của người Việt hoặc người Thái. Hay kịch bản tệ hơn nữa là: Tối thứ 6 hết gas thì bạn có thể treo nồi đi ăn tiệm cho đến tận thứ 2 mới có người giao gas tới. Một cô em sang Lào sau tôi cũng từng ôm đầu "Trời, cái xứ gì lạ vậy”. Chả là, điện thoại của cô ấy chưa kịp nạp thẻ mà không cài Internet Banking, hàng sim thẻ thì đóng cửa hết nên phải chờ tới thứ 2 mới có thể nhận và chuyển tiền online. Kha khá các phiền toái nếu bạn không biết trước những điều này. Nhưng rồi, bạn cũng sẽ quen và mọi thứ đều có thể có phương án dự phòng. Được cái, ở Lào không có mất điện luân phiên, cả năm mất điện chỉ 1 - 2 lần khi nào có sự cố, còn mất nước thì hầu như không có. Một ông anh khác, cũng mới sang Lào được vài tháng, ở một mình và suốt ngày than buồn vì tối chả biết đi đâu chơi, vì hàng quán đóng cửa sạch. Thậm chí, đi ăn nhà hàng cũng phải kiểm tra kỹ xem nhà hàng đó có mở cửa Chủ Nhật hay ngày lễ Tết hay không. Ấy thế mà, bác nhà mình sang chơi lại khen cái việc đóng cửa vào ngày nghỉ này. "Cháu biết không, bác sang Đức thấy người ta cũng làm như vậy. Cửa hàng nào muốn mở cửa vào ngày nghỉ thì phải đăng ký, phải nộp thuế cao hơn, phải trả lương cho nhân viên nhiều hơn,... nên bên đó người ta ít mở cửa ngày nghỉ. Họ làm vậy để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Mình cứ tưởng lạc hậu mà LÀO THẾ NÀY LẠI VĂN MINH đấy cháu ạ.”


Còn những điều mà bạn có thể ngạc nhiên về Lào thì tôi sẽ bật mí thêm dưới đây:


Nơi đây chúng tôi dường như có nhiều thời gian để sống và thời gian cho chính mình hơn. Cả nhà tôi có thể cùng chơi những môn thể thao như tennis, bơi, đánh golf đều đặn hàng tuần. Tôi có thể đạp xe đạp nhiều hơn, thậm chí đạp xe đi làm.


Ở Lào, trừ vùng cao nguyên thì hầu như không có mùa đông, khí hậu lại ổn định nên tủ quần áo và đồ đạc rất dễ tối giản, tiết kiệm thời gian và bớt cồng kềnh hơn rất nhiều.


Người Lào sống hồn nhiên, đôn hậu, vui vẻ, hòa nhã, thân thiện. Họ sống và hưởng thụ cuộc sống cùng một lúc. Tôi gọi là “vừa có cái bánh vừa ăn nó”. Họ không khóc trong đám ma mà ăn mừng người kia đã được về với Phật.


Ở chợ đầu mối Lào, dù chỉ mua lá trầu không hay quả bồ kết cũng có thể lấy điện thoại ra quét mã QR để thanh toán.


Nơi đây, chúng tôi dường như có nhiều thời gian để sống và thời gian cho chính mình hơn. Cả nhà tôi có thể cùng chơi những môn thể thao như tennis, bơi, đánh golf đều đặn hàng tuần. Tôi có thể đạp xe đạp nhiều hơn, thậm chí đạp xe đi làm. Nhà tôi, người lớn đi làm và con trẻ đi học chỉ cách nhà chừng 1 - 3 km.


Chỉ nhờ tư cách “kiều bào”, chúng tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ, chụp hình, trò chuyện thậm chí đôi khi là ăn uống cùng người nổi tiếng như: Chủ tịch nước Việt Nam, GS Hoàng Chí Bảo, NSND Xuân Bắc, ca sĩ hải ngoại Mạnh Đình... Các chương trình văn nghệ ở nhà hát lớn hay các trung tâm biểu diễn tại đây thường... miễn phí và rất đa dạng, đến từ nhiều nền văn hóa: kịch nói, xiếc, võ thuật kung-fu, ballet, ca nhạc,... Tôi còn nhớ như in vẻ xúc động của anh Xuân Bắc phát biểu sau vở kịch đoạt giải trong nước đem ra nước ngoài lưu diễn, khi lần đầu tiên anh thấy kịch đã tàn, phát biểu đã tan mà người xem vẫn lưu luyến chưa muốn về, dù đã chụp ảnh với diễn viên từ trước vở kịch.


Trường Quốc tế tại đây chất lượng rất tốt, ít nhất là mầm non và tiểu học. Con tôi học lớp 1 có phòng máy tính, phòng thí nghiệm,... để thực hành. Nhiều trường có sân bóng và bể bơi, không gian rộng rãi mà không phải đi xa nội thành. Trường Montessori nói tiếng Anh là một lợi thế lớn khi “du học mầm non” ở Lào. Giáo viên người Mỹ, Canada hay Ấn Độ, Philippines đều nói tiếng Anh tốt và đặc biệt là yêu trẻ con. Nhờ ở Lào, Min mới có thầy giáo mầm non đầu tiên và duy nhất của mình, thầy không chỉ dạy học mà còn dạy đàn, dạy hát, dạy về thiên nhiên, dạy thể thao, dạy chặt gỗ đẽo kiếm,...vv Cũng nhờ ở Lào mà con tôi có không gian chạy nhảy hàng ngày cả ở nhà và ở trường phù hợp với tính cách của mình, dù giày dép mòn vẹt đứt quai với tốc độ khủng khiếp. Nhờ ở đây, con có thể đi xe đạp hai bánh trước sinh nhật 6 tuổi của mình. Cũng nhờ ở Lào mà một người không phân biệt được bên phải bên trái như tôi có thể lái ô tô - một lợi thế đưa đón hai đứa con trong mùa mưa, thay vì chỉ có xe máy và xe đạp. Tuy bằng lái Lào có thể đổi ngang sang bằng ô tô Việt Nam, nhưng sự thật là dù có đổi tôi cũng không có can đảm ngồi sau vô lăng giữa Hà Nội.


Còn nữa, nhờ sinh con tại Lào mà đứa con thứ hai của tôi được tiếp da, được bác sĩ khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn mà không chịu áp lực gì từ cán bộ y tế (hoàn toàn khác hẳn trải nghiệm năm 2013 tôi sinh con đầu ở Việt Nam).


Thời tôi mới sang, tiền kíp Lào gấp 3 lần đồng Việt Nam Đồng. Chính vì vậy nên về Việt Nam ăn hàng quán nào chồng tôi cũng thấy... rẻ.


Còn nhiều, nhiều nữa những khác biệt tôi lắng nghe và quan sát được nơi đây. Tất nhiên, câu "chưa đi chưa biết nước Lào/ Đi về mới biết hơn bao nước mình" chỉ nói lên mặt tích cực mà tôi vẫn thường kể về cuộc sống nơi đây. Còn những mặt chưa tích cực như: công nghệ chậm hơn, xử lý rác kém hơn, hàng hóa ít hơn, giá cả đắt hơn (bó rau muống 50 ngàn Việt Nam đồng), y tế còn học theo Việt Nam...vv.. không phải tôi che giấu. Nhưng ngoài thói quen chỉ hay nhắc tới những điều tích cực thì với lối sống tối giản và sống xanh, sống thuận tự nhiên của mình, tôi lại thấy chúng ít ảnh hưởng tới cuộc sống của mình hoặc ảnh hưởng theo hướng tốt hơn. Chẳng hạn, một tuần mới thu rác một lần là một ác mộng nếu bạn sống ở thành phố lớn, nhưng nhà tôi rất ít rác bởi rác phân huỷ chúng tôi tự xử lý làm compost hoặc enzyme. Hàng hóa siêu thị không đa dạng lắm nhưng tôi đâu có nhiều nhu cầu, một năm tôi chỉ đi siêu thị Thái Lan gần cửa khẩu Viêng Chăn đúng một lần. Giá thực phẩm có cao nhưng tôi lại ăn rau nhiều hơn thịt, vì thế đầu tư vào rau sạch vẫn thấy "có lợi và có lời" hơn là thịt… bẩn. Y tế chưa bằng ở Việt Nam nhưng từ hồi sang Lào đến giờ, 5 - 6 năm rồi ba mẹ con có dùng tới viên thuốc nào đâu. Tôi lại còn có mẹ và chồng ở cạnh khi sinh con tại phòng riêng bệnh viện, với chi phí cho dịch vụ “người nhà vào phòng đẻ” quá rẻ so với Hà Nội. Ở Việt Nam, một nữ hộ sinh có khi theo dõi tới chục bà đẻ, chứ ở đây chục nữ hộ sinh theo dõi động viên mỗi một bà đẻ. Xa xứ thì mối quan hệ đúng là ít hơn về số lượng nhưng sâu sắc hơn về chất lượng và đặc biệt, khi là một phần của cộng đồng người nước ngoài nơi đây, con cái tôi được giao lưu với rất nhiều các nền văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, lối sống khác. Trên hết, cái ĐƯỢC lớn nhất chính là sức khỏe. Vì không khí này, không gian này, cảm nhận này, niềm vui và niềm hạnh phúc này, bông hoa nở và tiếng chim hót kia,... không thể mua được. Chỉ có mình sẵn sàng đánh đổi tới đâu, mình có thấy xứng đáng để đánh đổi, mình có động lực đủ để thay đổi...


Ngồi sau vô lăng ô tô chờ đèn đỏ khi đã đưa hai đứa trẻ đi học, chiếc ô tô mà tôi hay mở cửa xe không bật điều hòa vì bên ngoài rất thoáng, tôi chợt nhớ lại tuyên bố "Thay đổi tất cả chỉ trừ chồng và con" của mình khi mới sang Lào và dậy lên cảm xúc muốn viết thêm một cái gì đó để những người yêu quý tôi biết con người "thay đổi tất cả" ấy hôm nay ra sao sau 7 năm. Rồi viết để "minh oan" cho những gì ai đó còn hiểu lầm về Lào, đất nước hoa Chăm pa xinh đẹp giản dị đã cưu mang gia đình tôi bấy lâu. Cuộc đời còn dài nên không ai nói trước được đâu là điểm đến cuối cùng, nhưng cũng như người Lào, tôi hạnh phúc với hiện tại BÂY GIỜ và Ở ĐÂY.


Tóm lại, ở đất nước "lạc hậu" này, tôi thấy mình được hưởng nhiều thứ "văn minh" lắm. Bài viết mở ra một góc nhìn khác, ghi nhận các dữ kiện mà có thể chẳng báo chí nào đề cập tới, chứ không hề có ý so sánh nước này, nước khác. Sống ở nơi nào cũng có những ưu và nhược điểm. Nhìn vào đời sống, phong cách sống của nước khác, biết đâu mình có thể học hỏi được những điều hay cho cuộc sống của chính mình. Hẹn gặp bạn ở Lào, nơi lạc hậu một cách văn minh, tự do một cách giới hạn nhé. 


"Mua bồ kết quét kiu-a (QR)

Lào "lạc hậu" thế sao ta bằng người?

Nên khi đã chọn Lào rồi

Người xa cố quốc nỡ rời nơi đây?


P.S. Bài viết chỉ là quan điểm cá nhân.

(*) phỏng thơ Chế Lan Viên