TRONG NGÔI LÀNG ĐẶC BIỆT Ở MANILA
Tác giả: Oanh Lưu (Philippines)
Vậy là gia đình mình lại một lần nữa di chuyển đến một đất nước mới trên hành trình của một gia đình đa văn hoá! À, mà gia đình bé nhỏ của mình còn là gia đình đa ngôn ngữ nữa chứ, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng xứ Wales, tiếng Pháp, một ít vốn từ địa phương học được qua thời gian sống ở Rwanda và Bỉ.
Lần này gia đình mình di chuyển đến một quốc đảo ở Châu Á, The Philippines. Đến Manila vào mùa hè năm 2021 giữa lúc cả thế giới căng thẳng vì dịch Covid nên gia đình mình được tổ chức sắp xếp người đón ngay từ sân bay đưa về khách sạn và hầu như suốt hai tháng trời trẻ con không được ra ngoài. Chỉ bố mẹ tranh thủ đi siêu thị mua thực phẩm và đồ thiết yếu!
Bức tranh cuộc sống thực tế chỉ hiện ra rõ ràng sau hai tháng cách li, gia đình mình được chuyển vào một ngôi làng biệt lập. Gọi là biệt lập vì làng này có hàng rào tường bao quanh, 3 cổng vào làng có chốt bảo vệ, khu văn phòng hành chính có đầy đủ các bộ phận chức năng như một chính quyền thu nhỏ và khép kín. Thật may mắn khi hai đứa con của mình cùng bọn trẻ ở đây còn được ra khỏi nhà, được đi dạo dưới những hàng cây cổ thụ, được hít thở không khí trong lành dù vẫn chỉ loanh quanh trong làng. Nhưng đâu đó mình vẫn cảm thấy có sự phập phồng bất an. Bởi bên ngoài làng, chỉ cách một hàng rào kia là những đứa trẻ dưới 5 tuổi vẫn không được ra khỏi nhà, trường học vẫn đóng cửa, văn phòng im lìm không bóng người lại qua! Trẻ con và người lớn đều học và làm việc online! Thật khó thở khi nghĩ mọi thứ không bình thường như trước dịch bây giờ đã trở thành bình thường lúc vẫn còn dịch! Con người đã thích ứng với những biến động mới, dầu vậy lòng mình vẫn thấy buồn biết bao.
Mỗi khi di chuyển đến sống ở một đất nước mới mình cùng chồng và hai con trai nhỏ đều cố gắng tập thích ứng với nền văn hóa mới. Thời tiết ở Manila khá giống ở Sài Gòn, ẩm thực cũng có nhiều món khá giống kiểu miền Tây Việt Nam. Người Philippines ảnh hưởng văn hóa của Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Hoa nên có thể nói mọi thứ thể hiện qua kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ chính thức phổ biến ở Philippines là tiếng Tagalog và tiếng Anh, ngoài ra họ cũng có nhiều ngôn ngữ địa phương ở các vùng khác. Trước đây mình từng làm du lịch nên đi đâu cũng giữ thói quen khám phá, tìm hiểu về văn hóa của nước mà mình đến tham quan. Nay được sống hẳn vài năm tại các nước cũng là cơ hội cho mình thêm thời gian để hiểu sâu hơn về mảnh đất và con người nơi mình tạm trú.
Và đã có rất nhiều câu chuyện, mặc dù nhỏ thôi nhưng cũng làm mình đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ví như câu chuyện về nghề giúp việc, làm vườn, bảo vệ, hay bất cứ công việc nào khác ở Philippines hiện tại. Chỉ quanh ngôi làng nhỏ và đặc biệt này cũng đã có bao điều đem lại cho mình cảm xúc ngỡ ngàng, buồn vui xen lẫn. Trong làng này, mỗi gia đình thường sống trong một ngôi nhà khá rộng, từ 3-7 phòng ngủ kèm theo các phòng chức năng khác, có vườn rộng to nhỏ tùy diện tích và có thể có cả bể bơi. Vì ở rộng nên thường các gia đình ở đây khá đông con, thậm chí anh em họ hàng cũng kéo vào ở cùng. Nhu cầu thuê người giúp việc cũng rất cao, các gia đình thường có thêm quản gia, người chăm sóc trẻ em (hay còn gọi là vú em), người chăm sóc người già, lái xe, người làm vườn, đầu bếp, người lau dọn bể bơi. Gia đình có điều kiện hơn thì thuê cả body guard (tức người giám hộ, bảo vệ riêng đi theo bảo vệ họ hoặc con cái). Rất dễ nhận ra người giúp việc trong làng bởi họ được cung cấp đồng phục, ăn mặc như nhân viên khách sạn, nhà hàng sang trọng vậy. Quanh nhà tôi đều là các gia đình chịu chơi, thuê từ 8 – 10 người giúp việc như vậy. Mỗi gia đình sở hữu ít nhất 3-4 ô tô, có gia đình sưu tập cả chục xe đua, thêm cả các loại xe khác nhau để sử dụng vào những dịp khác nhau. Dựa vào nguồn thu nào để cư dân trong làng có thể trả cho các khoản chi phí như vậy? Tìm hiểu ra mình biết họ đều là người làm việc trong các ngân hàng, là bác sỹ, doanh nhân hoặc viên chức chính phủ... Gia đình mình đã lọt vào ngôi làng xa xỉ, nói đúng hơn là một trong những ốc đảo của người giàu ở Manila!
Vì phần đông dân số theo Công giáo nên Giáng sinh là dịp lễ lớn nhất, dài nhất ở Philippines. Năm ngoái mình còn nhớ đêm Noel gia đình mình đã được chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. Chính quyền của làng bắn pháo hoa, từng nhà bắn pháo hoa, đếm ra phải đến 80 % hộ dân trong làng tổ chức bắn pháo hoa dịp này. Họ đốt pháo rải rác từ 10h đêm, đúng nửa đêm cả làng ầm ầm tiếng pháo nổ, bầu trời phía trên làng sáng rực. Đầu làng xe cứu hỏa đã xếp hàng chờ sẵn chỉ để phục vụ cho riêng làng này. Tháng Mười Hai mới có Giáng sinh nhưng từ tháng Mười người dân đã háo hức chuẩn bị buôn bán, mua sắm, trang trí nhà cửa, các dải đèn nhấp nháy treo khắp cổng. Họ sẽ thắp sáng các loại đèn cho đến hết năm mới, sang tận tháng Tư năm sau mới bắt đầu gỡ xuống. Người dân Philippines đón Tết dương lịch cũng bắn pháo hoa nhưng độ rực rỡ thì không thể so sánh với Giáng sinh. Từ đây mình cảm nhận người dân Philippines yêu thích vẻ đẹp lung linh, thích cuộc sống đa sắc màu. Đây là thông điệp về niềm tin, mong cầu cuộc sống tươi sáng, thịnh vượng hơn.
Thời điểm Giáng sinh cũng là lúc mình chăm chú quan sát đời sống tinh thần của những người giúp việc trong làng. Trong thời gian dịch bệnh, nhà thờ phải đóng cửa, người ta cho phép được cầu nguyện ở các trung tâm mua sắm. Cô giúp việc nhà mình cũng là người theo công giáo nên mỗi sáng Chủ nhật là cô lại đi trung tâm thương mại để cầu nguyện, sau đó tìm bạn trò chuyện và mua sắm, giải trí. Hàng xóm, bên phải, bên trái, phía trước phía sau rì rầm to nhỏ các cuộc trò chuyện của người giúp việc qua Viber, mesenger. Họ gọi về cho gia đình. Có những người làm giúp việc, lái xe cho gia chủ gần nửa đời người vẫn bám trụ với nghề. Hỏi ra, người ít kinh nghiệm cũng đã theo nghề được 5 năm, người nhiều kinh nghiệm thì 10 năm hoặc hơn 30 năm. Họ coi đây là nghề, là nguồn thu nhập chính để gửi về giúp cho cả gia đình ở tỉnh thành khác hay ở các đảo khác. Mỗi lần những người giúp việc xin nghỉ phép để về thăm quê, họ thường đi bằng máy bay địa phương, có khi kết hợp tàu thủy, đường bộ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường xá của Philipines vẫn còn kém phát triển, một phần do địa hình núi non và các đảo nằm rải rác, song cũng do chính phủ thiếu đầu tư liên tục. Mình ấn tượng nhất là xe Jeepney, một loại phương tiện chở khách công cộng, sản xuất tại địa phương. Xe này có 2 hàng ghế dài cho hành khách ngồi, nhưng vào giờ cao điểm hành khách cũng bị nhồi nhét chật cứng xe. Loại xe này vận hành trong thành phố và các tỉnh thành khác, di chuyển quãng đường ngắn, giá vé rất rẻ, khoảng 8 nghìn đồng Việt Nam cho 5 cây số nên phù hợp cho học sinh, sinh viên và người lao động giản đơn.
Trong ngôi làng mình hiện cư trú có những mảnh đất trống giữa một số các ngôi nhà khác. Đây là các mảnh đất đã có người mua, nhưng chủ đất chưa muốn xây dựng, nên muốn có người chăm sóc hộ để cỏ dại khỏi mọc um tùm. Những người giúp việc trong làng thường xin ra đó tăng gia trồng trọt. Mình rất thích dạo bộ, ngắm nhìn các mảnh đất trống được lấp đầy bởi những luống rau xanh, bụi chuối, cây ăn trái như đu đủ, vú sữa,…. Và cả những luống hoa được trồng ở hàng ngoài làm thành hàng rào bảo vệ. Trước khi đến khảo sát nhà để thuê trong làng này, chồng mình đã hỏi mình rằng “Chắc là em sẽ chọn ngôi nhà có vườn rau muống và đám hoa hướng dương rực rỡ kia đúng không? ”, mình ngạc nhiên “ Sao anh biết?” Chồng mình, một anh Tây mê rau muốn trả lời “Thì anh cũng thích rau muống xào tỏi mà”. Ngôi nhà mình chọn để ở hiện nay cũng có một vườn rau xanh, ngắm khoảng xanh này cũng giúp mình nguôi đi nỗi nhớ quê nhà. Và mình cũng tìm được những niềm vui nho nhỏ đến từ mảnh vườn ấy. Được nghe chuyện từ những người lao động xa nhà, cô giúp việc nhà mình cũng hay dẫn các con mình ra ngắm những luống hoa hướng dương và trò chuyện với các cô chú trồng rau ở đó.
Mới chuyển đến hơn một tháng, thỉnh thoảng nhà mình lại nghe tiếng chuông bấm cửa mà không thấy ai đứng bên ngoài. Bên ngoài cửa ai đó để lại những bó rau tươi ngon, mình trân trọng quà tặng quý giá này, thỉnh thoảng lại làm kim chi, nem rán, bánh giò mang tặng lại những người làm vườn. Họ nhận được chút quà nhỏ mà rơm rớm nước mắt. Có lẽ từ lâu rồi không có nhiều người lạ quan tâm, tặng họ quà nên họ thấy cảm động chăng. Từ đó, mỗi khi có dịp làm món bánh ngon, mình hay mang tặng cho các nhà hàng xóm. Cạnh nhà mình là một gia đình người Philippines, gốc Hoa nên dịp Trung thu hay Tết âm lịch họ cũng chia sẻ món ăn cổ truyền như bánh trung thu, bánh gạo nếp của người Trung, họ còn nấu cả mì Ý kiểu Philippines, có nhiều thịt xông khói và phô mai mang tặng nhà mình. Và hàng ngày, khi tiếp xúc người địa phương, mình nhận thấy họ có thói quen xin lỗi ngay khi mắc lỗi, và cũng chịu khó tiếp thu lời phê bình hoặc phàn nàn của người khác, ít thấy họ phản đối bằng thái độ hoặc hành động tiêu cực. Lời cảm ơn thường được nói kèm ngay sau lời xin lỗi, thêm một nụ cười và không quên nhắn nhủ “God bless you, chúa phù hộ bạn!” Những điều ấy làm mình thấy gần gũi hơn với mảnh đất xứ nhiệt đới này!
Ngoài những điều thú vị nho nhỏ và tích cực ở trên, dĩ nhiên mình cũng cảm nhận ở Philippines còn nhiều rủi ro, nguy hiểm rình rập trong cuộc sống. Cách duy nhất là quan sát, học hỏi, rút ra bài học cho bản thân để giảm tránh tối đa các rủi ro.
Ở Philippines khoảng cách giàu nghèo là rất lớn. Có khoảng 20 triệu người sống trong các khu ổ chuột và hơn 10 % trong số đó sống tại thủ đô Manila, hàng ngày lay lắt tạm bợ dưới các chân cầu, cầu vượt và trên các cống nước thải. Những khu dân cư bất hợp pháp này đã chặn dòng chảy và khiến tình trạng lũ lụt ngày càng trở nên trầm trọng tại một quốc gia vốn thường xuyên phải hứng chịu động đất cũng như các cơn bão lớn hàng năm. Đến Manila vào mùa hè nên gia đình mình lập tức nhận được tin nhắn liên tục cảnh báo về ngập lụt đường phố, rồi ảnh hưởng động đất. Mình chứng kiến có những chung cư hay khách sạn đã phải thông báo cho cư dân và khách chạy xuống mặt đất để phòng động đất mạnh. Mình cứ băn khoăn biết chạy đi đâu vì chung quanh đều là các tòa cao ốc. Có những đêm đang ngủ mình chợt tỉnh, tự hỏi sao lại chóng mặt, người lắc lư như đang nằm võng thế này. Sáng cập nhật tin tức mới biết do ảnh hưởng động đất ở một tỉnh khác nên Manila bị ảnh hưởng.
Chuyện trộm cắp, cướp giật ở đây mình cũng được cập nhật thông tin cảnh báo trên nhóm cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Manila. Đã có nhiều trường hợp bị cướp ngay trên taxi, do chính tài xế túng quẫn liều cướp tài sản của khách và thả khách giữa đường, lừa lấy điện thoại của khách là thanh thiếu niên ít kinh nghiệm. Người đi bộ trên khu phố đông người vào buổi tối cũng có nguy cơ bị giật túi nếu chỉ đeo một bên vai. Mình rất sợ nếu lỡ một ngày rủi ro xảy ra với bản thân nên đi đâu mình cũng phải chuẩn bị sẵn mấy cái còi. Mình nhét sẵn còi vào túi quần, đeo cả ở cổ. Cẩn thận như vậy nhưng mình cũng không dám chắc nếu xảy ra chuyện, mình còn kịp nhớ để còi ở đâu không mà lôi ra thổi. Nếu phải đi Grapcar mình thường hay gửi hành trình đi cho người nhà xem, để lỡ có xảy ra vấn đề gì còn có dấu vết truy tìm. Cẩn tác vô áy náy.
Sống ở đâu cũng đều có hai mặt thuận lợi và bất lợi như vậy đấy. Nhưng đã trải qua những năm tháng ở châu Phi, châu Âu và giờ quay lại châu Á, tại Manila này, mình nghiệm ra rằng hãy tận hưởng những điều tốt đẹp đang có và trân trọng các trải nghiệm đa dạng trong cuộc sống từ đó rút ra bài học cho bản thân, để sống tốt hơn và bình an mỗi ngày.
Xin cảm ơn những ai đã đọc được bài viết chia sẻ về Manila này,
Trân trọng và cảm ơn nhiều!