NƯỚC NGA NHỮNG NGÀY ĐẦU CẤM VẬN
Tác giả: Nguyễn Thu Hà (CHLB Nga)
Sau những phát nổ súng đầu tiên của Nga vào Ukraina ngày 24/2/2022, cuộc sống của tôi và gia đình tại thủ đô Moscow cũng bị đảo lộn hoàn toàn.
Đây là cuộc trò chuyện của vợ chồng tôi mà chắc chắn tôi sẽ không thể nào quên trong một thời gian dài.
Hôm ấy, tôi vừa đi siêu thị về, thấy chồng cũng đã về nhà, tôi kêu ngay: “Chán quá anh ạ. Em vừa phải chạy đi bốn siêu thị vẫn không mua được lấy một gói đường. Bột mì cũng chỉ được mua tối đa hai cân thôi. Bây giờ có tiền muốn mua hơn cũng không được nữa rồi. Vác hàng ra quầy họ không tính tiền cho nữa đâu.”
Chồng tôi giật mình “Hết hàng thật à? Thế em mua được cái gì rồi?”
Tôi được thể, kêu tiếp “Ối giời ơi, may kịp vớ được chút đồ ăn cầm cự thế này thôi...” Đang nói thì điện thoại réo, chị hàng xóm cũng là đồng hương nói rõ to “Em ơi vừa đi siêu thị à? Có mua được gói băng vệ sinh nào không?” Chết không cơ chứ. Chị hỏi tôi mới nhớ ra mục đích chính của buổi săn lùng khắp các siêu thị ngày hôm nay là mua băng vệ sinh. Tôi ngán ngẩm trả lời chị “Làm gì còn hàng quý hiếm này chị ơi. Em mò bốn siêu thị không ra. Giờ biết tính sao?” Chồng tôi nghe vậy vẫn không tin, phẩy tay “Gớm, hàng ấy siêu thị nào chả có, em cứ lo vớ lo vẩn. Siêu thị hết hàng họ lại nhập về ấy mà.”
Biết ngay ông chồng nhà mình lại lơ tơ mơ rồi, không nắm được tình hình khan hiếm hàng hóa thời chiến rồi.
Còn nhớ cũng sáng hôm ấy, đọc tin tức chiến sự tôi đã bần thần cả người, dự cảm phải đi siêu thị mua một số đồ thiết yếu, băng vệ sinh cũng là đồ thiết yếu chứ còn gì nữa. Nhà đã hết sạch món này rồi. Lại thêm thông tin nồi chõ mách nhau là dân bản xứ đã khoắng sạch hàng ấy ở các siêu thị rồi. Tôi lật đật vùng dậy, đánh răng rửa mặt thật nhanh rồi phi ra siêu thị gần nhà. Ối giời ơi, các kệ hàng trước đây vẫn bày ken dày các gói băng vệ sinh, giờ trống huơ trống hoác. Tôi chạy ra hỏi cô nhân viên siêu thị “Cô ơi, còn băng vệ sinh không, nhãn nào, chất lượng kiểu nào tôi cũng mua”. Cái lắc đầu của cô nhân viên siêu thị làm tôi cảm thấy như đất trời quanh mình sắp sụp. Cố vớt vát, tôi hỏi tiếp “Cô làm ơn nhòm lại trong kho giúp tôi được không? May ra sót vài gói?” Ối giời ơi, làm gì còn mà sót!
Cũng hôm ấy, tôi chạy thêm ba siêu thị xa nhà hơn, cũng tình trạng vườn không nhà trống. Căng thẳng hơn cả đại dịch Covid-19 thật rồi. Nhà có đến ba người đàn bà cần dùng băng vệ sinh mà giờ kiếm không ra. Đành về nhà với hi vọng chỉ khoảng hai đến ba ngày sau hàng sẽ lại về thôi ấy mà.
Đã bốn ngày trôi qua, trong các siêu thị quanh vùng vẫn không thấy bóng dáng gói băng vệ sinh nào. Cứ như chúng tôi sắp bị đẩy vụt lại thời “ru em thời thiếu nữ xa xôi” thiếu thốn đủ thứ. Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa. Đã thế, chồng lại còn trêu thêm một câu “Sao dạo này vợ cứ thở ngắn than dài thế, có đứa bùng nợ à?” Đúng là giọng điệu dân buôn xuyên quốc gia! Tôi lườm chồng “Bị bùng nợ đã may. Bây giờ có tiền mà... đói mới chết đây này.”
Sang ngày thứ năm của cái tuần đầu tiên đi vào lịch sử đương đại ấy, buổi chiều em gái tôi đi làm về lại nhắc “Chị chạy qua siêu thị xem nữa đi, có khi hàng ấy về rồi, mua vớt vát được cái gì cũng tốt cái ấy”. Tôi lại mò ra chốn ấy. Ôi may quá, từ đằng xa, lẫn trong đống bỉm tã dành cho người già và người bệnh tật, tôi đã thấy một bịch nhỏ màu xanh xanh quen thuộc. Chân tôi rảo nhanh hơn ngày thường, hi vọng mình tóm gọn em ấy. Giật mình, có hai đến ba bóng phụ nữ cũng đang đi về hướng đó. Bụng chỉ mong họ không phát hiện ra thứ tôi đã nhìn ra từ xa. Tới nơi, tôi chộp vội gói băng vệ sinh, giữ chặt trong tay, mắt ngó nghiêng xem còn gói nào mắc ở góc nào không để lấy nốt. Chỉ có mỗi chị Hoàng hậu chính cung này thôi đấy. Một phụ nữ đến gần tôi, nhẹ nhàng hỏi “Cô ơi, cô có mua gói băng vệ sinh đó không, nếu chưa thực sự cần thì làm ơn để lại cho tôi được không?” Tôi lắc đầu: “нет,нет,я тоже хочу. Ôi tôi đang cần lắm lắm!” Lần đầu trong đời tôi lâm cảnh này, là người được cầm trên tay gói băng vệ sinh duy nhất trong siêu thị mà lòng tôi trịu nặng. Lại còn ba bà trong nhà đang đến ngày đến tháng nữa chứ, ưu tiên ai đây, ai dùng ai nhịn?
Ngẫm lại, sau gần ba mươi năm sống ở Nga, đây đúng là lần đầu tôi vướng vào trải nghiệm có một không hai này. Không phải cứ có tiền là mua được tất, không phải có tiền là có được tất cả.
Trên đường về nhà, trùng hợp cậu em cùng công ty vừa bay về Việt Nam làm giấy tờ gọi hỏi tôi rằng bà chị có cần đồ gì ở quê không em mang sang cho. Thoạt nghe mừng húm, rồi lại chần chừ, chẳng lẽ người ta đàn ông đàn ang thế mà lại nhờ vác máy bay cho mình mấy gói băng vệ sinh. Ối giời ơi, không khéo nó nghĩ mình bị hâm.
May mắn là một tuần sau, các kệ hàng trên siêu thị đã đầy trở lại. Chỉ có điều tất cả đều là hàng Nga, sản xuất tại Nga, từ băng vệ sinh giá rẻ hơn hàng nhập khẩu cho tới bơ sữa bột đường đều là của Nga, cũng hỗ trợ giá mềm. Cảm giác yên tâm đó chỉ là tạm thời mà thôi. Chúng tôi cũng như người dân bản xứ lại bước vào những ngày sống trong lo sợ khủng bố. Tâm lí ấy bao trùm lên các siêu thị, qua cách người ta hối hả mua sắm, tích trữ hàng thiết yếu. Khổ thế đấy! Bây giờ người ta đánh nhau đâu chỉ bằng bom đạn mà còn giao tranh bằng cấm vận, trừng phạt. Những người làm ăn buôn bán như chúng tôi ngấm đòn ngay tuyến đầu. Giá đô la ngoài chợ đen tăng chóng mặt, ngân hàng găm lại không bán đô la nữa. Hàng hóa đánh từ Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ sang cũng bị lưu kho vì giá đô la tăng. Khách hàng bắt đầu không dám lên Moscow mua đồ vì tâm lí lo sợ chiến tranh, khủng bố lan rộng. Ô tô treo cờ Ukraina phản đối chiến tranh chạy ầm ầm ngoài đường, cảnh sát và các lực lượng chống khủng bố giăng khắp nơi, chó nghiệp vụ xục xạo từng ngóc ngách dưới các ga tàu điện ngầm…
Sang tuần thứ hai mọi loại hàng hóa trở nên khan hiếm thật sự, cứ nhập về cái gì là người ta mua hết veo cái đó, trong khi hàng mới chưa kịp lấp vào. Đến đồ điện tử và hàng may mặc nhãn nước ngoài cũng hút bóng dần. Dân tình còn bảo nhau tranh thủ đi ăn Mc Donald lần cuối, kéo đóng cửa hàng loạt. Bất cứ hàng gì không phải của Nga đều biến mất khỏi các cửa hàng, siêu thị, từ đồ bình dân đến sản phẩm cao cấp.
Bây giờ ngồi nhớ lại những ngày đầu cấm vận ấy, thật đáng sợ khi nhận ra vậy mà chúng tôi cũng đã trải qua cái gọi là “cuộc sống không bình thường ấy” gần nửa năm trời rồi. Khó mà miêu tả, định nghĩa gói gọn chỉ trong một vài từ như khó hơn, khổ hơn, buồn hơn. Là người lạc quan, tôi đã nghĩ chiến sự sẽ sớm dừng lại thôi, rồi mọi chuyện sẽ sớm ổn thôi. Nhưng có vẻ như không phải vậy. Điều an ủi nhất lúc này là tôi vẫn còn được sống giữa gia đình của mình ở Moscow, vẫn được gặp gỡ bạn bè, giao lưu với các anh chị đồng hương còn bám trụ lại đây. Và tôi biết nhiều người trong số các anh chị ấy, dù không công khai số liệu, vẫn đang âm thầm giúp đỡ, hỗ trợ đồng hương tại Ukraina cũng như người tị nạn Ukraina theo cách riêng của họ.