HIER ALLEEN PINNEN
(Ở ĐÂY CHỈ THANH TOÁN BẰNG THẺ)
Tác giả: Huỳnh Thu Dung (Hà Lan)
Tôi có một câu chuyện vui nhưng cũng từng khiến tôi có chút ngượng ngùng trong thời gian đầu mới chuyển đến Hà Lan sinh sống. Đó là câu chuyện liên quan đến việc tôi đi chợ và tính tiền trong siêu thị, cũng như lần đầu tiên biết đến câu “Hier alleen pinnen”.
Tôi thường tin rằng bất cứ người nào dù giỏi giang đến đâu, khi bắt đầu một cuộc di cư đến một vùng đất khác để sống, đều gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là những vùng đất khác biệt hoàn toàn về ngôn ngữ, văn hóa tập tục con người so với quê hương xứ sở mình. Hòa nhập vào một môi trường không có người đồng hương, không có người có cùng sắc tộc màu da sống xung quanh mình, và dùng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh, thì khó khăn lại càng chồng chất.
Những ngày tháng đầu tiên khi tôi bắt đầu di cư đến một thành phố lân cận Amsterdam sinh sống, tôi ngụ cư trong một khu dân cư hoàn toàn là người bản xứ, không có bất cứ gia đình nào là người Việt đồng hương ở gần đó. Dù có chút tự tin rằng mình cũng đã từng đi đó đi đây, hiểu biết ít nhiều về cuộc sống này, hiểu biết ít nhiều về văn hóa phương Tây. Đồng thời tôi cũng có thể sử dụng tiếng Anh, trong trường hợp chưa kịp học ngôn ngữ tiếng Hà Lan cho thông thạo, tôi cũng tạm có thể dùng tiếng Anh để giao tiếp với người xung quanh. Tôi nghĩ tôi sẽ có những bắt đầu thuận lợi hơn so với người khác ở môi trường mới. Nhưng dù vậy, tôi cũng gặp không ít kỷ niệm dở khóc dở cười.
Kỷ niệm khó quên nhất là lần đầu tiên tôi đi mua sắm thức ăn trong siêu thị gần nhà. Cứ nghĩ đi chợ mua sắm thức ăn và đồ tiêu dùng là chuyện đơn giản, ai mà chẳng làm được dù là ở nơi đâu, nhưng cũng không phải là không có trục trặc nếu không có sự hiểu biết và chuẩn bị trước đó.
Siêu thị lúc đó khá đông đúc người mua sắm. Quầy tính tiền phải xếp hàng khá dài và vài người trông có vẻ sốt ruột vì đợi lâu. Cô nhân viên quầy tính tiền thì làm việc liên tay không ngừng. Tôi mua khá nhiều thức ăn và đồ gia dụng, đầy trên xe. Sợ nhân viên tính tiền phải chờ đợi mình, tôi rút sẵn một ít tiền mặt trong túi ra cầm vào tay, mong rằng khi tính tiền mình sẽ đưa tiền nhanh nhẹn, tránh để người xếp hàng sau mình phải chờ đợi lâu. Thấy tôi cầm tiền mặt trên tay, nhiều người nhìn tôi có vẻ hơi thắc mắc nhưng tôi không hiểu là chuyện gì.
Sau khi sắp xếp đồ đạc của mình lên băng chuyền tính tiền, được cô nhân viên scan và tính toán đâu vào đó ra số tiền, tôi mới đưa cho cô ấy số tiền mình đã cầm sẵn trên tay, thầm nghĩ mình hành xử thật là ý thức, không muốn ai phải chờ mình. Nhưng cô ấy lắc đầu, tuôn ra một tràng tiếng Hà Lan tôi không hiểu gì cả.
Tôi ngớ người một lúc, không hiểu là chuyện gì, bèn nhỏ nhẹ đề nghị cô ấy nói cho tôi biết có chuyện gì bằng tiếng Anh. May sao đó là một người trẻ tuổi và dùng tiếng Anh thông thạo. Nên cô ấy chỉ cái bảng hiệu phía trên đầu cô ấy, nơi có dòng chữ rất rõ ràng “Hier alleen pinnen” và cho tôi biết rằng tôi đã xếp hàng trả tiền vào khu vực chỉ dành cho người dùng thẻ ngân hàng. Quầy tính tiền đó không thu tiền mặt. Do nơi tôi sống là một nơi rất địa phương, nên họ đã không ghi chú bằng tiếng Anh. Tôi đã không biết điều đó.
Tôi bắt đầu lúng túng khi cô nhân viên tính tiền nói rằng tôi có bất cứ thẻ ngân hàng nào thì có thể lấy ra để thanh toán tiền mua hàng. Nhưng tôi ngượng ngùng nói tôi không có bất cứ thẻ ngân hàng nào ở đây cả. Tôi chỉ mới đến đây sinh sống có vài ngày. Phía sau lưng tôi bắt đầu có người ngó nghiêng sốt ruột xem là chuyện gì mà cái người tính tiền trước họ lại tốn thời gian đến vậy. Tôi càng sốt ruột và ngượng ngùng.
Cuối cùng, cô ấy phải gọi người cửa hàng trưởng hôm đó đến, thu trở lại hàng hóa của tôi vào xe, hủy phiếu thanh toán và chuyển những món đồ tôi mua qua quầy bên cạnh, nên tôi có thể thanh toán bằng tiền mặt. Dù đã xin lỗi nhân viên thu ngân tại quầy, quay lại phía sau tỏ ý xin lỗi vì đã làm phiền những người chờ sau tôi, nhưng tôi vẫn không sao tránh được cảm giác rằng mình vụng về và không lưu tâm kỹ, làm phiền hà người khác.
Trước khi đến một nơi mới để định cư, sinh sống, làm việc, tôi thường tưởng tượng ra những “culture shock”, những cú sốc văn hóa, là những chuyện lớn lao, trọng đại, hội nhập ở tầm cao về văn hóa bản xứ, ngôn ngữ mới... Chứ tôi đâu ngờ những bài học đầu tiên của mình chỉ những chuyện nho nhỏ xảy ra hàng ngày, khiến mình dở khóc dở cười, không đến nỗi tai hại nhưng cũng khiến mình thấy lúng túng khó xử giữa đám đông. Và trở thành những kỷ niệm không quên được.