Bài dự thi 005

Tôi đến LÀNG MAI để thở

Tác giả: Thảo Huỳnh (Bỉ)


Sau khi định cư tại Bỉ được gần 20 năm, cuộc sống thăng trầm nhiều cung bậc, tôi tự nhận ra rằng đã đến tuổi phải tự đi tìm sự bình an nội tại. Trong một lần về Việt Nam tôi được cha tặng cho cuốn “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chính món quà quý giá ấy đã mở ra một chương mới trong cuộc đời tôi.


Cuốn sách  cho tôi cái nhìn về đạo Phật đúng đắn và rõ ràng hơn, tranh thủ khi làm việc nhà tôi nghe thêm nhiều bài giảng của Sư Ông. Rồi một lần qua Pháp ngồi đợi máy bay về Việt Nam, tôi may mắn ngồi cạnh một người đồng hương đã cao tuổi. Bac kể cho tôi nghe về những chuyến đi Làng Mai ở Pháp, những lần được gặp Sư Ông, các cuộc hạnh ngộ tăng thân trong làng, những ngày cùng uống trà, thưởng hoa và ăn uống sinh hoạt trong chánh niệm.


Chỉ là chia sẻ tình cờ của một người qua đường nhưng có sức neo bám trong tâm hồn tôi rất sâu sắc và gợi lên những cảm xúc đặc biệt. Sau bao lần trì hoãn vì thời gian eo hẹp, và cả do dự nữa, cuối cùng tôi quyết định tự thưởng cho mình một kì nghỉ hè đặc biệt. Đó là chuyến đi để tìm lại chính mình. May mắn tôi được chồng con động viên, dù họ không thể đi cùng tôi được.


Tôi bắt đầu lên mạng tìm kiếm thông tin, theo dõi ngày đăng ký. Vào mùa hè, các khóa đăng kí đến Làng Mai thường rất nhanh hết chỗ. Nhưng duyên đã đến, tôi đã được nhận vào làng kèm nhiều thông tin chỉ dẫn chi tiết. Có nhiều giá cho các khóa khác nhau, giao động từ 300 đến 500 EURO, tùy ở chung phòng với bao nhiêu người, cắm lều ngủ ngoài trời, muốn có nhà vệ sinh trong phòng hay sử dụng nhà vệ sinh tập thể. Tôi chọn loại phòng cho bốn người, sử dụng phòng tắm và khu vệ sinh chung, với giá 450 EURO cho bảy ngày ở Làng Mai.


Khỏi phải nói, tôi vô cùng hào hứng chuẩn bị cho chuyến đi này. Những ngày đến và rời làng luôn được bố trí cố định vào thứ Sáu hàng tuần. Tôi còn nhớ mình đến Làng Mai vào ngày 20/7/2018. Vậy là cũng đã bốn năm rồi. Làng Mai, trung tâm thiền tập ở miền tây nam nước Pháp do Sư Ông Thích Nhất Hạnh thành lập vào năm 1982, cách trung tâm Bordeauw khoảng 90 km. Qua mấy lần đổi máy bay, xe buýt, xe lửa, taxi suốt hành trình hơn một nghìn cây số, cuối cùng tôi cũng đến nơi. Hành trình di chuyển trôi chảy khiến cho tôi có dự cảm mình thực sự đã có duyên với chuyến đi, tâm trí lúc này cần phải tập trung tốt nhất cho quãng thời gian bảy ngày quý giá làm thiền nhân của Làng Mai.


Làng Mai trước đây có tên là Làng Hồng, sau đó được đổi tên do các em học sinh gốc Việt đến làng đã trồng 1250 cây mai, quyên góp từ tiền bố mẹ cho để thực hiện một hoạt động ý nghĩa: mỗi em trồng một cây mai. Nghe nói vào mùa xuân làng bừng lên sắc mai nở rộ rất đẹp. Ấy là do tôi tìm hiểu thông tin, xem ảnh, chứ tôi chưa có duyên được đến làng vào mùa xuân. Cứ thế, hình ảnh làng tự hiện ra theo cách tưởng tượng trong tâm trí của tôi khi ngồi taxi tìm đường vào làng, đúng vào mùa hè bốn năm trước.


Thật trùng hợp, trên chuyến taxi ấy còn có hai phụ nữ người Bỉ ở cùng thành phố với tôi. Nhưng khác tôi, đây đã là lần thứ ba họ đến với Làng Mai. Nói đúng hơn, lần thứ ba họ được trở về ngôi làng thân thương, tâm trạng họ rất phấn khởi.


Người ta hướng dẫn tôi vào nơi đăng kí chỗ ở, đón tiếp khách thập phương và điền thủ tục nhập làng. Một sư cô rất trẻ và dễ thương chở xe đưa tôi về xóm Trung. Thực ra làng chỉ có hai xóm chính là Thượng và Hạ. Hè năm ấy, vì người Việt về làng đông quá nên xóm Trung được tận dụng. Một tuần ở đây chúng tôi được nói tiếng Việt, nghe các bài pháp thoại được giảng bằng tiếng mẹ đẻ. Hàng ngay chúng tôi được thưởng thức các món chay thuần Việt rất ngon. Nào bánh cuốn, bánh bột lọc, bánh canh, hủ tiếu. Rau tươi được hái ngay từ happy farm (tạm gọi là Nông trại hạnh phúc) trong làng.


Đăng kí phòng bốn người, nhưng dọn vào chỉ có hai người gồm tôi và một cô bé sinh viên từ Việt Nam qua du học muốn đến làng trải nghiệm trong kì nghỉ hè. Hai chị em ở với nhau rất hợp, có thể trò chuyện hàng giờ, cùng đi thiền hạnh, cùng tham gia các sinh hoạt xóm- làng rất vui. Không gian thoải mái, thư giãn ấy khiến cho tôi thấy tâm trí mình mở ra, có thể chia sẻ với người cùng phòng, cùng xóm nhiều chuyện riêng tư mà không phải ngại ngần, từ đây cũng bắt đầu hình thành nhiều kỉ niệm khó quên. 


Một ngày ở làng bắt đầu vào khoảng 5 giờ 15 phút sáng. Mùa hè châu Âu ngày kéo dài nên 5 giờ sáng bình minh đã hiện ra, không gian ấm dần bởi thứ ánh sáng tươi mới đầu ngày rất dễ chịu. Khi nghe tiếng chuông Đại Đồng vang lên từ xa, cả miền quê tĩnh mịch bắt đầu thức dậy. Chúng tôi, khoảng hơn 60 người trong làng, cùng các sư thầy ngồi thiền. Đầu chúng tôi quay vào tường, tập thở trong vòng 30 phút giữa cảnh tranh tối tranh sáng giữa căn phòng hắt bóng ngọn đèn trên bàn Phật. Rồi các sư hướng dẫn đọc kinh, ngồi thiền. Sau khi tập khí công, chúng tôi cùng nhau ăn sáng với bánh mì, cháo ngũ cốc hoặc bánh nướng người trong làng tự làm rất thơm ngon. 


Một tuần ở làng bắt đầu bằng lịch trình được phân công rất cụ thể theo từng ngày, từng giờ. Không khí thanh tịnh và tươi mát bao phủ chúng tôi như một ân điển chỉ thien nhan  trong làng mới được đón nhận. Có lẽ tôi cảm nhận được không khí này sâu đậm hơn cũng một phần vì các hoạt động chung trong làng, ngay cả trong khi ăn uống cũng diễn ra trong im lặng, chúng tôi được dạy rằng từng giây từng phút sống trong tỉnh thức. Thỉnh thoảng các sư lại gõ ba tiếng chuông để mọi người dừng lại mọi hoạt động để tập thở. Đã được hướng dẫn cách tập thở và ngồi thiền ngay từ đầu nên chúng tôi sớm có cảm giác an lạc ngay khi nghe tiếng chuông tỉnh thức vang lên, nhắc nhở mọi người sống trong hiện tại, và tập trung vào hơi thở của mình.


Những ngày ở làng, xung quanh tôi là các thiền nhân đến từ khắp thế giới. Có cháu chỉ mới 12 tuổi đi cùng ông ngoại từ Việt Nam sang tận đây. Có các bạn trẻ hẹn gặp nhau ở làng để cùng tham gia một kì nghỉ đặc biệt như thế này. Có những gia đình gồm chị và em, con cháu từ Canada, Thụy Sĩ, Mỹ, Pháp hẹn nhau hàng năm về làng coi như một ngày họp mặt gia đình. Có những người bén duyên nhau tại đây, rồi kết hôn, hàng năm họ lại đưa con cái về làng, như về ngôi nhà, về quê hương thân thương của mình vậy. 


Tôi được thấy cả những tình nguyện viên sống ở những vùng gần Làng Mai, họ mang theo những đứa con mới chập chững tập đi vào làng, xắn tay giúp các sư thầy việc nọ việc kia rất thành tâm. Hàng ngày ngồi ngắm cảnh các bố mẹ làm việc và trò chuyện cùng sư thầy, bầy trẻ con chạy nhảy chơi đùa cùng các cư dân mới- cũ trong làng, tôi dần thấm và ngấm vào một cuộc sống tôi hằng mong cầu và tìm kiếm. Đó là được sống tỉnh thức, đưa tâm về với thần. Ngồi ăn trong yên lặng, tôi cảm nhận được vị thơm ngon của từng miếng ăn, trong tôi dâng lên lòng biết ơn những người nông dân đã sản xuất ra thực phẩm, biết ơn  những người đã nấu cho tôi ăn... Tôi thấy trong từng miếng ăn gia vị của ánh nắng mặt trời, của giọt mưa, của cơn gió thổi, của mảnh đất được nghỉ ngơi sau mỗi mùa vụ dâng người.


Có những buổi sáng chúng tôi đi bộ hoặc bắt xe buýt lên xóm Thượng hoặc xóm Hạ để cùng nhau du Pháp đàm. Nơi đây có sức chứa cả ngàn người trong các khóa tu vào mùa hè. Bài giảng được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Ý, Đức, Hà Lan, Việt. Trước giờ Pháp đàm, hơn 200 sư thầy cùng đứng trên sân khấu bằng gỗ và hát. Năng lượng và nội lực của các sư qua bài hát khơi dậy trong chúng tôi những cảm xúc rất kì lạ. Bất giác tôi nhắm mắt lại, và dòng nước mắt từ trong lòng mình, từ mọi giác quan, từ mọi buồn vui dồn nén trong lòng, giờ đây tự nhiên trào ra. Chung quanh tôi, có người bật khóc thành tiếng. Nức nở hay chỉ lặng lẽ quệt dòng nước mắt, thì tất cả đều như đã thấm lời của Phật “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước đại dương”. Trong cuộc sống mà chúng tôi đã trải qua, và sắp tới sẽ trở lại này, rất hiếm khi nếu như không muốn nói là chúng tôi không có thời gian để đối diện và hóa giải những nỗi đau của mình. Đó không chỉ là những nỗi đau riêng, mà còn là những ưu phiền có tính chất trao tuyền lại từ các thế hệ trước, từ một miền đất, một hồn quê mình được sinh ra và lớn lên. Giờ đây, khi được trở về khung cảnh tình làng nghĩa xóm trong sạch và thanh tịnh này, khi được ngồi yên và lắng nghe hơi thở của chính mình, mọi cảm xúc cùng lúc trở về, ào đến, và chờ được hóa giải. Trong sự đồng cảm ấy, tôi thấy tôi rõ hơn, tôi khát khao yêu thương tôi nhiều hơn. Đứa trẻ đang tổn thương trong tôi đã được vỗ về, ôm ấp, dỗ dành.


Thế rồi, người ta bắt đầu nói ra được tiếng lòng bấy lâu vẫn giấu kín. Có người chỉ thốt lên được một câu “Tôi về làng vì tôi thất tình” rồi khóc nấc, phải tạm rời khỏi nhóm vì không điều khiển được cảm xúc của mình. Có gia đình vừa bị mất con, có gia đình vừa li hôn, hoặc vợ chồng đang mâu thuẫn. Có cô bé buồn rầu nói “Con chó của con vừa mới chết rồi”... Lúc này đây, khi ngồi viết những dòng này sau bốn năm rời làng và chưa có dịp quay trở lại, lời các sư vẫn vang lên trong đầu tôi “Nếu con khóc được, hãy khóc đi. Đừng đè nén cảm xúc của mình. Khóc cũng là một cách chữa lành.” Cứ thế, chúng tôi học về cách vận hành của tâm và thần, về nguồn gốc của khổ đau và cách hóa giải. Những bài Pháp ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu làm sao. Những câu hỏi lại lao xao, các sư lại điềm tĩnh trả lời. Ngồi giữa những câu chuyện ấy, tôi tìm thấy sự tĩnh lặng để soi tâm mình, tôi được tiếp năng lượng để hướng về phía trước.


Sau buổi Pháp đàm, chúng tôi nghỉ ngơi, ăn trưa và thiền hạnh. Ăn bữa chiều xong thầy trò cùng lên đồi ngắm cảnh mặt trời lặn. Bordeaux là nơi nổi tiếng về rượu vang đỏ, những vườn nho trĩu quả ngọt, những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực rỡ và trải dài tít tắp. Một ngày kết thúc vào lúc 10 giờ tối, người ta tôn trọng sự yên lặng một cách tuyệt đối, hoặc lặng lẽ đọc sách, hoặc thực tập thiền, hoặc đặt lưng xuống thực tập thiền buông, để đón đợi một giấc ngủ không mộng mị.

 

Thứ Năm cũng là ngày sinh hoạt cuối chúng tôi được bên nhau vì sáng thứ Sáu chúng tôi phải rời xóm, xa làng cho kịp chuyến bay rồi. Hôm ấy, sư cô Chân Không đã đến dạy chúng tôi cách làm làm mới- cách tưới hoa trong mối quan hệ gia đình- đồng nghiệp- bạn bè. Còn hai tháng nữa mới đến Trung thu nhưng các sư vẫn tổ chức làm lồng đèn để chúng tôi và lũ trẻ được tham gia một lễ hội, một sự kiện văn hóa của Việt Nam. Tôi được sống lại tuổi thơ của mình khi cùng cả xóm rước đèn lên xóm Thượng và hòa cùng các xóm khác chung vui trong một đêm hội khó quên.


Sau một tuần bên nhau, chúng tôi lưu luyến chia tay và hẹn ngày đủ duyên sẽ được trở về thăm làng. Tôi mang theo năng lượng tích cực mà các sư đã ban cho cùng với những món quà nhỏ mà ý nghĩa về cho gia đình, một tấm thiệp in dòng chữ: “Không có bùn thi  không có sen”, một chiếc ao thun in dòng chữ “Tỉnh dậy đi”. 


Sau mấy năm ngừng trệ vì Covid-19, năm nay Làng Mai lại mở cửa đón cả ngàn người. Tôi cũng hoan hỉ chuẩn bị kế hoạch cùng con gái về thăm làng. Khi ngồi viết và đọc những dòng này, tôi tìm lại những bức ảnh mình chụp và lưu lại từ chuyến thăm làng đầu tiên. Cứ ngỡ như mới hôm qua thôi, kỷ niệm và cảm xúc lại ùa về. Trong bao bộn bề cuộc sống, cả xung đột, chiến tranh, bệnh tật, khủng hoảng kinh tế bủa vây, hình ảnh những đứa trẻ vui đùa trong khi bố mẹ nằm sưởi ấm trên bãi cỏ hay đoàn người lặng lẽ hành thiền quanh hồ sen, băng qua rừng, sưởi nắng ấm, nghe thông reo... của kì nghỉ đặc biệt ở Làng Mai vẫn luôn như liều thuốc an thần, giúp tôi lấy lại trạng thái cân bằng, cho tôi cảm giác bình yên đến lạ. Tôi chỉ mong tất cả thành viên trong gia đình mình, bạn bè thân quen cũng có đủ duyên để đến Làng Mai dù là ở Pháp hay Thái Lan, Mỹ, Úc, Hồng Kông. Giờ đây, nếu bạn hỏi tôi đến Làng Mai để làm gì? Tôi sẽ mỉm cười và trả lời rằng: ĐỂ THỞ!