CUỘC TÌNH TRÊN TỪNG CÂY SỐ
Tác giả: Bạch Vân (CHLB Đức)
Mình còn nhớ như in ngày 10.5.1997, qua đường Ba Lan mình và em gái vượt biên vào Đức. Vậy là đã 22 năm rồi.
Trong tuần đầu tiên mình thấy thoải mái lắm, cũng không bỡ ngỡ như kiểu nhà quê ra tỉnh lắm đâu. Vì bố mẹ mình sang Đức lao động nhiều năm trước đó, nên mình cũng đã có hậu phương vững chắc để dựa vào, trừ việc chưa có giấy tờ hợp pháp để định cư tại đây. Mình theo mẹ đi siêu thị, đến thăm nhà người quen của bố mẹ. Ai cũng bảo chị em mình đúng là ở Đông Dương mới sang có khác, vừa gầy vừa đen, tóc thì cắt ngắn như con trai. Bố mình bảo “Con gái phải để tóc dài nó mới thướt tha, con trai ở bên này thích thế”. Mình cãi “Tóc ngắn đang là mốt ở Việt Nam”.
Tuần đầu trôi qua nhanh, mình cũng chưa cảm nhận được việc có giấy tờ hợp pháp ở Đức nó quan trọng như thế nào. Sau này dần dần trải qua mới thấy nó như một cái thẻ bài để mình được sống tự do, được làm điều mình muốn và đơn giản là không phải nơm nớp lo sợ công an kiểm tra hay bắt mình trục xuất về nước bất cứ lúc nào.
Một tối, bố mình bảo hai chị em rằng “Mai 2 đứa đi nhập trại để có giấy tờ mà đi lại. Cả tuần nay đi lung tung may mà không bị kiểm tra”. Mình giật mình, hỏi “Trại như nào ạ? Có phải như kiểu hàng rào dây thép gai như trên tivi không hả bố? Bố mình bảo “Yên tâm, không đến nỗi thế đâu, nó cũng như các toà nhà công sở khác thôi mà”.
Quả đúng vậy. Sáng hôm sau có cô chú người quen và bố chở chị em mình đi nhập trại. Đến cửa một toà nhà khá to, cô người quen dẫn chị em mình vào. Hồi ấy mình chưa biết một câu tiếng Đức nào ngoài câu chào “Hallo!”. Lúc đó mình không hiểu cô nói gì với người ta, chỉ nhớ cô bảo thôi cô về nhé, hai đứa cứ ở đây, không phải lo gì đâu, họ sẽ có người chỉ bảo cho. Thủ tục nhập trại cũng nhanh và đơn giản. Đại khái trình tự khai đơn, tên tuổi, có sẵn vốn tiếng Anh nên đối với mình không vấn đề gì. Sau đó họ phỏng vấn, có phiên dịch người Việt giúp. Họ cũng hỏi cho có lệ mà thôichứ hồi đó nhiều người xin tị nạn lắm rồi. Ai cũng cùng một lý do là chán ghét chế độ, đi tìm tự do. Riêng chị em mình thì khai đi tìm bố mẹ. Mình xác định thể nào họ cũng sẽ bác đơn xin tị nạn. Dẫu sao thì mình cũng có thời gian từ một đến hai năm để làm giấy tờ xin ở lại. Nói chung là trong kế hoạch bố mình vạch sẵn rồi! Kiểu yên tâm như thế đấy. Chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc sao cô người quen đưa chị em mình vào đàng hoàng mà không bị quy tội chứa chấp hay dẫn người không giấy tờ bất hợp pháp. Mình có hỏi bố chuyện này, bố bảo cô ấy khai là gặp chị em mình trên đường, hỏi thăm nhận là người đồng hương thì dẫn hộ vào trại thôi, giúp người mà, ai quy tội tình gì.
Trở lại chuyện nhập trại. Lúc phỏng vấn xong chị em mình đi ra cùng ông phiên dịch. Ông hỏi chị em mình có ý định gì cụ thể chưa? Mình trả lời rất nhanh như kiểu chuẩn bị trước rằng bọn cháu sang đây tìm bố mẹ chứ không phải đi vì lý do kinh tế. Ở Việt Nam nhà cháu giàu lắm, có tiệm vàng to. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Lúc đó chắc ông phiên dịch cũng cười thầm, trong bụng hẳn lẩm bẩm “Tao lạ gì chúng mày, ai sang đây tị nạn cũng bảo vì lý do chính trị, nhưng thật ra chỉ vì đi kiếm ăn mà thôi”. Kệ ông ấy muốn nghĩ gì thì nghĩ. Mình cứ xong việc của mình đã.
Xong phần thủ tục giấy tờ, chị em mình được đưa đi khám sức khoẻ, được phát đồ dùng cá nhân và phòng ở. Đúng là nước Đức tuyệt vời, chị em mình thì khỏe mạnh nhưng nghe nói nếu khám ra ai bị bệnh gì họ sẽ chữa cho khỏi bệnh thì thôi. Nhiều người bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế, chạy về trại họ cũng chữa cho hết. Chị em mình ở cùng phòng với một em gái người Tàu. Khu bếp, nhà vệ sinh dùng chung. Hàng ngày, cứ 10 giờ sáng người ta phát đồ ăn nấu sẵn đóng hộp, phát giấy đi nhận quần áo ở cửa hàng, cấp tiền tiêu vặt mỗi tháng 40DM. Đây là loại tiền Đức cũ, năm 2002 đổi tiền 2DM=1€, nhưng lạm phát giá cả leo thang tính ra 1DM tương đương 1€ bây giờ rồi.
Chị em mình ở trại đó khoảng một tháng, rồi được chuyển sang trại định cư. Trong một tháng đó, cứ 10 giờ sáng chị em mình đi lên trại điểm danh, lấy đồ ăn xong là phi về nhà bố mẹ mình cách đó không xa. Đi tàu điện ngầm khá nhanh nhưng giờ mình không nhớ đi bao lâu nữa. Hôm nhận được giấy chuyển trại, thấy buồn ghê gớm vì không được ở lại Munchen nữa rồi. Chị em mình bị bắn đi Nordlingen cách Munchen hơn 100 km. Bố mình lại đưa chị em mình xuống đó, thất vọng cực kỳ vì đang ở Munchen nhộn nhịp tự dưng về làng, gần chuồng nuôi bò. Nghĩ bụng không biết đến bao giờ mới có người đến rước đây. Nhưng đúng là số có quý nhân phù trợ, ông chủ trại quản lý lại xếp cho chị em mình một phòng ở trại khác ngay trong trung tâm làng. Cuộc sống ở trại định cư mới không đến nỗi tệ, chỉ có điều chị em mình phải thay phiên nhau ở trại để trực lấy thư vì hồi đó có rất nhiều thủ tục. Quyền con người ở nước Đức rất cao. Mình đến xin tị nạn ở nước họ, không đồng ý thì họ cũng phải làm đúng thủ tục như bác đơn, thông báo lí do rõ ràng. Mình muốn kéo dài thời gian sau khi nhận được thư từ chối thì phải thuê luật sư để cãi câu giờ.
Cứ thế thời gian trôi đi, mình làm quen dần cuộc sống bên này. Có bạn bè, đi làm thêm quán xá nhưng làm chui thôi. Thấy cũng vui, nhất là khi nhận được tháng lương đầu tiên, hình như hơn một nghìn DM thì phải. Đổi ra tiền Việt cũng được kha khá. Rồi có những anh trai đến làm quen, có cả người quen của bố mẹ mình cũng đến tìm hiểu, dắt dây đến nhà chơi. Hồi đó con gái Việt ở Đức còn hiếm lắm. Các cô xấu xấu như mình vẫn có vài anh muốn đưa đón. Buồn cười nhất là có hôm mình đi làm, vừa ra cửa trước để về thì bố dẫn một anh đến cửa sau nhà hàng đón mình. Về đến nhà đã thấy một anh khác ngồi chờ sẵn. Bố mình với anh kia sau khi đi đón không được thì quay về. Thế là hai anh chạm trán nhau tại nhà mình.
Mình hồi đó còn mải chơi, sang Đức đi làm vừa có tiền vừa vui được làm với các anh chị trẻ trung. Tối nào cũng rủ nhau đi ăn uống nên tỏ vẻ cá cảnh, kệ cho hai anh ngồi nói chuyện với bố, mình chui vào phòng. Đúng là con người có duyên có phận, một tuần chỉ được nghỉ một ngày nhưng đều đặn có một anh cứ thứ hai là vượt 150km lên thăm mình. Mỗi lần đến, anh không nói chuyện gì nhiều với mình, nhưng mình đi chợ là anh lẽo đẽo đi theo. Mình nấu cơm anh vào giúp. Anh cũng không chém gió hay tranh luận các vấn đề thời sự với bố mình giống các anh khác. Có nhiều hôm anh không được nghỉ, nhưng vì mình có việc phải về trại trình diện hoặc gia hạn, lấy thư, lĩnh tiền thì sau giờ làm, thậm chí ngay cả lúc một giờ đêm, anh vẫn phóng xe lên Munchen đón mình về trại ở Nordlingen. Rồi từ đó chạy về nhà anh ở Ulm, kịp sáng đi làm.
Đọc đến đây chắc mọi người đoán ra là anh nào rồi. Mình vẫn nói đùa cuộc tình của mình là cuộc tình trên từng cây số. Bọn mình cứ âm thầm nuôi dưỡng tình cảm như vậy. Anh vẫn lặng lẽ, cần mẫn đưa đón, chăm sóc mình. Tuần nào được nghỉ anh cũng lên thăm. Anh cũng chẳng hứa hẹn sẽ làm cái này hay cái kia cho mình. Còn mình chẳng biết từ bao giờ nữa, cứ thứ hai hàng tuần lại mong ngóng anh lên. Chỉ cần nghe tiếng xe đầu ngõ lúc khoảng một giờ sáng là mình bật dậy, thức chờ mở cửa cho anh chứ không muốn để anh phải bấm chuông. Anh đến với mình chân thành, giản dị như chính con người anh vậy. Nên mình cũng từ một cô gái lãng mạn, ham chơi đã tự nguyện trở thành vợ anh như thế đó.