NHÀ TRONG VƯỜN
Tác giả: Chung Tiến Lực (Việt Nam)
Từ bao đời nay, cha ông chúng ta đã dựng nhà ở giữa vườn cây quanh năm xanh tốt, một khung cảnh sầm uất, thanh bình, thân thương. Hình ảnh mái ngói đỏ hay mái tranh nghèo núp dưới bóng cây mít cây xoan, nghe ran ran tiếng gà mái hoa mơ nhảy ổ cục ta cục tác, in mãi trong bóng dáng hồn làng quen thuộc, yêu thương.
Nhà trong vườn là một công trình kiến trúc truyền thống lâu đời, dù to bé, giàu nghèo với những chất liệu xây dựng khác nhau nhưng đều giống nhau là mang một nét đẹp tự nhiên mộc mạc, giản dị. Nhà ở trong vườn gắn liền với phong cảnh thiên nhiên, phù hợp với khí hậu nóng ẩm, gió mùa. Ngôi nhà chính, thường ba gian hai trái quay hướng Đông Nam là hướng mưa thuận gió hòa. Nhà phụ thường là khu bếp nấu ăn và chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhà chính và nhà phụ ôm chiếc sân phơi lát gạch. Phía trước nhà trồng cây cau, dưới gốc cau đặt chiếc chum màu da lươn hứng nước mưa và chiếc gáo dừa cán dài úp trên miệng chum. Sau nhà trồng chuối, với cách phối trí như vậy nên nhà ở nông thôn, mùa hè rất mát do gió nồm Nam không bị che chắn và mùa đông lại ấm do những khóm chuối lá to che bớt gió mùa Đông Bắc. Nhà ở với kết cấu cột kèo bằng gỗ được trạm trổ hoa văn đẹp mắt hoặc bằng cây tre ngâm giản dị, dễ thương. Nó được phối cảnh hài hòa, có tỷ lệ hợp lý với cây mít, cây na, hàng rào dâm bụt …và khu vườn tươi mát.
Vườn nhà ngoài giá trị kinh tế thì đó là nơi vui chơi, thỏa sức khám phá thiên nhiên của trẻ con, là nơi người lớn tìm sự thanh thản sau những vất vả đời thường. Mảnh vườn thân thuộc và gắn bó với người nông dân thân thiết như vật dụng lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Những sản vật của vườn nhà cung cấp thực phẩm không những tại chỗ mà còn là sự trao đổi ở chợ phiên, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện ngay vào bữa ăn, nhịp sống hàng ngày. Trong vườn quanh nhà, thứ gì cũng có, vừa đa dạng về cây giống, con giống vừa phong phú về sản lượng. Chỉ cần đảo ra vườn một lát là có ngay một nắm rau tươi, vài ba quả trứng cho một bữa cơm ấm cúng gia đình. Vườn nhà chính là nguồn thức ăn bảo đảm dinh dưỡng với tính chất “mùa nào thức ấy” và đặc điểm “cây nhà lá vườn”. Cây trồng chủ yếu là được trồng lần đầu, rồi chúng cứ tự lan ra, vươn nhanh giống như cây ngò gai (còn gọi mùi tàu), ban đầu chỉ là một khóm, mấy năm sau đã lan rộng ra cả một vạt lớn. Cây cà chua thóc cũng vậy, quả chín chưa kịp ăn khi rụng xuống, hạt cà chua thóc chìm vào lớp lá mục ngủ vùi qua mùa đông, sang xuân gặp mưa phùn, nắng ấm mọc lên ra hoa kết quả tặng mùa hè những nồi canh ngọt. Quả cà chua thóc bé xíu, chỉ bằng hòn bi ve nhưng rất sai quả, có vị chua dìu dịu, vỏ mỏng, ít hạt, nấu canh chua thơm ngon vô cùng. Những khóm chuối, khóm riềng, gừng, nghệ cứ việc sinh sôi bằng đẻ nhánh, không cần phải bàn tay người chăm lo, dường như chúng tự nguyện nhường sự chăm lo của con người cho lúa ngô ngoài đồng ruộng.
Ngoài tiện lợi trong sinh hoạt, vườn nhà còn là nơi tĩnh dưỡng sau những giờ lao động mệt mỏi bằng việc hái lượm hoa, lá, củ. Là phút giây tĩnh lặng để chiêm nghiệm, nhìn lại… sau những hối hả ruộng đồng. Khi trái gió trở trời, chỉ cần một nắm lá xanh, gồm lá bưởi, lá chanh, lá cây hương nhu, lá tre bánh tẻ, dây khoai lang thế là đã có một nồi nước xông. Trùm chiếc chăn đơn mỏng xông hơi cho ra hết mồ hôi là người khỏe khoắn lại rồi. Một cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu biết mấy. Tự nhiên tan biến mọi đau nhức, tê mỏi trong cơ thể. Bị cảm gió, hay cảm lạnh chỉ cần húp một bát cháo nấu với hành, lá tía tô đập thêm quả trứng gà tươi là hết cảm cúm… Cứ thế, vườn nhà cũng là vườn thuốc Nam rất thông dụng và hiệu quả.
Ngay cỏ dại cũng góp phần vào sự đa dạng, phong phú của kho báu vườn nhà. Chúng ta đã từng ăn và ngợi khen canh tập tàng ngon ngọt. Rau tập tàng là phối hợp mùi vị của rau sam, dền cơm, dền gai, cỏ cảy tảy, rau rệu… Chẳng cần tra thêm mì chính đã có nồi canh ngọt lừ, như ý.
Cũng từ khu vườn nhà chứng kiến biết bao nhiêu phát hiện đầu đời của con trẻ, các “phát minh” kỳ thú, những câu hỏi mà người lớn nhiều khi khó trả lời. Tại sao con nhện không có cánh mà chăng tơ như chăng dây điện giữa cây trong vườn để giăng lưới bắt ruồi muỗi; con chuồn chuồn không có mắt phía sau sao vẫn nhìn thấy tay thò ra bắt mà bay vụt lên…Nhà trong vườn, nơi ấy ghi dấu “Bi bô rồi vỡ giọng/Đo cửa lớn lên/Chập chững bước vào đời/Bình yên ngôi nhà bố mẹ/Bao nhiêu giá trị làm người”.
Nếu như ngoài đường, chợ là nơi hối hả mưu sinh thì vườn nhà là nơi thư thả bình yên nhất, là nơi cho ta những giờ phút sống chậm lại với những dự cảm, chiêm nghiệm sâu lắng mà bổ ích. Là nơi dung dưỡng tâm hồn, giải tỏa áp lực của cuộc sống. “Thách thức nắng mưa mòn mái rạ/Khói cơm chiều ấm sực lửa rơm/Lòng bố mẹ những ngày giáp hạt/Cơm trắng phần con, khoai độn phần mình…”. Ở đó có tiếng chim ríu rít, véo von những thanh âm trong trẻo ban tặng cho cuộc đời người nông dân tay lấm chân bùn.
Công cuộc phát triển kinh tế xã hội và sự đô thị hóa đã thay đổi đáng kể nhà ở và vườn nhà nông thôn truyền thống. Những ngôi nhà bê tông vuông vức lấn chiếm hầu hết vườn ao. Vườn bị thu hẹp dần và thậm chí mất đi. Cây trong vườn cũng vì thế mất đi sự đa dạng phong phú thay vào đó là những cây bon sai được uốn tỉa cầu kỳ nhưng lạc lõng.
Một cách tự nhiên, những mái hiên, thềm nhà, tấm giại, chum nước, gốc mít, góc bếp, sân gạch, cầu ao… đã là những biểu tượng của hồn làng và để rồi: “Không quên một thời gian khó/Trầm tích ngủ vùi trong tường/Mặn mồ hôi trong kết cấu/Ơi nếp nhà nhỏ thân thương”.